Phù Hề
Phù Hề là quái điểu mặt người thân chim. Trong sách tranh của Hồ Văn Hoán có ghi chép rằng: “Núi Lộc Đài có loài chim, thân gà trống mặt người, tên là Phù Hề, tiếng nó tự kêu tên mình. Gặp thì nước đó có chiến tranh.” Trong truyền thuyết Phù Hề là điềm báo chiến loạn, Phù Hề hiện thân tức quốc gia binh lửa giao chiến.
Phù Hề trích từ 《Sơn Hải Kinh · Tây Kinh thứ hai》: “Núi Lộc Đài 鹿台, có loài chim, dạng nó như gà trống mà mặt người, tên là Phù Hề 凫徯, tiếng nó tự kêu tên mình, gặp thì có chiến tranh.”
Chu Yếm
Chu Yếm thuộc về loài viên hầu, lông ở đầu thì là màu trắng, ở chân thì lại là màu đỏ, Chu Yếm cũng giống như Phù Hề đều là tượng trưng cho tai hoạ chiến tranh. Quách Phác chú dẫn: “Phù Hề Chu Yếm, gặp thì có chiến tranh.
Chu Yếm trích từ 《Sơn Hải Kinh · Tây Kinh thứ hai》: “Núi Tiểu Thứ 小次, có loài thú, dạng nó như vượn, mà đầu trắng chân đỏ, tên là Chu Yếm 朱厌, gặp thì có chiến tranh to.”
Cử Phụ
Cử Phụ 举父 cũng gọi là Khoa Phụ 夸父, dáng người rất lớn, hình dáng giống như con khỉ đuôi dài 猕猴, màu vàng đen, nhiều lông bờm, hay vung nhanh đầu của nó, có thể nâng đá ném người, hoặc vồ người.” Cổ đại có truyền thuyết Khoa Phụ đuổi theo mặt trời sau cùng chết vì khát, đến nay vẫn còn lưu truyền.
Cử Phụ trích từ 《Sơn Hải Kinh · Tây Kinh thứ ba》: “Núi Sùng Ngô 崇吾, có loài thú, dạng nó như con khỉ mà tay có vằn, đuôi hổ mà hay ném, tên là Cử Phụ.”
Bi
Bi có ngoại hình rất giống con gấu, toàn thân được bao phủ bởi hoa văn vàng bạc đan xen, có thể một mình nhổ lên một cây đại thụ. Bi đã từng trợ giúp Hoàng Đế 黄帝 đại chiến Viêm Đế 炎帝, trong 《Sử Ký · Ngũ Đế Bản Ký》 ghi chép: “Hoàng Đế Hữu Hùng Thị 有熊氏 huấn luyện các loài Hùng Bi Tỳ Hưu Sơ Hổ 熊罴貔貅貙虎, nhằm chiến với Viêm Đế tại cánh đồng Phản Tuyền.”
Bi trích từ 《Sơn Hải Kinh · Tây Sơn Kinh》: “Núi Ba Trủng 嶓冢, thú có nhiều loài Tê Hủy Hùng Bi 犀兕熊罴.”
Khê Biên
Khê Biên là một loài kỳ thú có ngoại hình giống con chó, nghe nói da của nó dùng làm chiếu có thể ngừa sâu độc. Khê Biên cũng thuộc giống chó, trong dân gian có truyền rằng máu chó có thể trừ tà. Trong 《Bản Thảo Cương Mục》 của Lý Thời Trân viết: “Xuyên Tây có nguyên báo 元豹, lớn như chó, màu đen, đuôi cũng như chó, da nó làm chăn nệm rất ấm, có vẻ như Khê Biên cũng giống vậy.”
Khê Biên trích từ 《Sơn Hải Kinh · Tây Sơn Kinh》: “Núi Thiên Đế 天帝, có loài thú, dạng nó như con chó, tên là Khê Biên 谿边, ngồi trên da của nó thì không bị ngải độc.”
Sổ Tư
Sổ Tư là một loài kỳ điểu, dáng vẻ giống chim cú, nhưng lại có một đôi chân người. Truyền thuyết kể rằng Sổ Tư có hiệu quả chữa bệnh cực mạnh đối với thân thể người, ăn thịt của Sổ Tư có thể trị bệnh động kinh ở trẻ em. 《Sự Vật Cám Châu》 miêu tả: “Sổ Tư như chim trĩ, chân người.”
Sổ Tư trích từ 《Sơn Hải Kinh · Tây Sơn Kinh》: “Núi Cao Đồ 皋涂, có loài chim, dạng nó như chim cú mà chân người, tên là Sổ Tư 数斯, ăn vào khỏi u bướu.”
Man Man
Man Man cũng gọi là Bỉ Dực Điểu, tượng trưng cho sự may mắn và sát cánh cùng bay. Man Man có một cánh và một chân, cần trống mái kết hợp lại sau đó mới có thể bay lượn trên trời. 《Bác Vật Chí》 ghi chép: “Núi Sùng Thu 崇秋 có loài chim, một chân một cánh một mắt, hợp ý nhau mà bay, tên là Man 蛮. Gặp thì tốt lành, cưỡi nó thọ ngàn tuổi.”
Man Man trích từ 《Sơn Hải Kinh · Tây Kinh thứ ba》: “Núi Sùng Ngô 崇吾, có loài chim, dạng nó như vịt trời, mà một cánh một mắt, hợp ý nhau bèn bay, tên là Man Man 蛮蛮, gặp thì thiên hạ đại hồng thủy.”
Thiên Thần
Thiên Thần 天神 là một con quái thú hai đầu, ngoại hình giống con trâu, có hai đầu và tám chân, đuôi ngựa, tiếng nó kêu giống như cánh chim đang chấn động. Nơi nó xuất hiện nhất định sẽ xuất hiện chiến loạn. Truyền thuyết kể rằng Thiên Thần là tiểu thần trông coi Huyền Phố 悬圃 ở phía dưới sông Dâm Thủy淫水. Thiên Thần có hai lời đồn đại là đi thẳng và bò.
Thiên Thần trích từ 《Sơn Hải Kinh · Tây Kinh thứ ba》: “Núi Hòe Giang, có sông Dâm Thủy, trong xanh bao la. Có vị Thiên Thần 天神, dạng nó như trâu, mà tám chân hai đầu đuôi ngựa, tiếng kêu ùn ùn to lớn 勃皇 (như tiếng phát ra từ tấm màng mỏng khi người đang chơi nhạc cụ), gặp thì có chiến tranh.”
Thổ Lâu
Thổ Lâu là một loài quái thú ăn thịt người có bốn sừng dê, 《Đồ Thuyết》 của Hồ Văn Hoán có ghi chép: “Gò núi Côn Luân, có loài thú, tên là Thổ Lâu, dạng như con dê, bốn sừng, ăn thú vật, ăn thịt người.” 《Đồ Tán》 của Quách Phác ghi: “Thổ Lâu ăn người, bốn sừng tựa như con dê.”
Thổ Lâu trích từ 《Sơn Hải Kinh · Tây Kinh thứ ba》: “Gò núi Côn Luân, có loài thú, dạng nó như con dê mà bốn sừng, tên là Thổ Lâu 土蝼, ăn thịt người.”
Giảo
Giảo là một loài Cát thú, là tượng trưng cho năm được mùa. Giảo có ngoại hình như là một con chó, thân có vằn báo nhưng lại có sừng trâu, tiếng kêu giống tiếng chó sủa. 《Chu Thư · Vương Hội Thiên》 ghi chép: “Hung Nô Giảo Khuyển, Giảo Khuyển này, thân to bốn chân.”
Giảo trích từ 《Sơn Hải Kinh · Tây Kinh thứ ba》: “Ngọc Sơn 玉山, đó là nơi ở của Tây Vương Mẫu. Có loài thú, dạng nó như con chó mà vằn báo, sừng nó như con trâu, tên là Giảo 狡, tiếng nó như tiếng chó sủa, gặp thì nước đó được mùa to.”
Thắng Ngộ
Thắng Ngộ là một loài thủy điểu ăn cá, mang điềm báo nạn lụt. Dáng vẻ như chim trĩ đuôi dài 翟, toàn thân màu đỏ, tiếng nó nghe rất giống con hươu đang kêu to. 《Sự Vật Cám Châu》 ghi chép: “Thắng Ngộ như chim trĩ đuôi dài mà màu đỏ, ăn cá.”
Thắng Ngộ trích từ 《Sơn Hải Kinh · Tây Kinh thứ ba》: “Ngọc Sơn 玉山, đó là nơi ở của Tây Vương Mẫu. Có loài thú, dạng nó như chim trĩ đuôi dài mà màu đỏ, tên là Thắng Ngộ 胜遇, ăn cá, tiếng nó như hươu kêu, gặp thì nước đó đại hồng thủy.”
Cùng Kỳ
Cùng Kỳ là một loài dị thú ăn thịt người, về ngoại hình của Cùng Kỳ, có người nói nó giống như con trâu, toàn thân phủ đầy lông như gai nhím, tiếng kêu như tiếng chó tru. Trong sách cổ Cùng Kỳ là con của Thiếu Hạo 少皞, dựa theo 《Tả Truyện · Văn Công Thập Bát Niên》: “Thiếu Hạo thị 少皞氏 có đứa con bất tài, người dân trong thiên hạ gọi là Cùng Kỳ 穷奇.”
Cùng Kỳ trích từ 《Sơn Hải Kinh · Tây Kinh thứ tư》: “Khuê Sơn 邽山, trên đó có loài thú, dạng nó như con trâu, lông nhím, tên là Cùng Kỳ 穷奇, âm thanh như tiếng chó tru, ăn thịt người.”
Thục Hồ
Thục Hồ là một loài dị thú tập hợp đặc trưng của bốn loài sinh vật người, ngựa, chim, rắn thành một thể, nó có khuôn mặt của con người và cơ thể của con ngựa, có cánh của con chim và đuôi của con rắn, ưa thích bế người lên. 《Đồ Tán》 của Quách Phác ghi chép: “Thú Thục Hồ, gặp người thì bế.”
Thục Hồ trích từ 《Sơn Hải Kinh · Tây Kinh thứ tư》: “Núi Yêm Tư 崦嵫, có loài thú, dạng nó như thân ngựa mà cánh chim, mặt người đuôi rắn, thích nâng người lên, tên là Thục Hồ 孰湖.”
Thủy Mã
Thủy Mã là một loài linh thú, cũng được gọi là Long Tinh 龙精. Dáng vẻ của nó giống như con ngựa, chân trước có vằn, đuôi giống con trâu, tiếng kêu như tiếng người hô to. 《Đồ Tán》 của Quách Phác ghi chép: “Kỳ Mã tên thực là Long Tinh, thích nổi trên mặt nước.”
Thủy Mã trích từ 《Sơn Hải Kinh · Bắc Sơn Kinh》: “Núi Cầu Như 求如, trong đó có nhiều Thủy Mã 水马, dạng nó như con ngựa, cánh tay có vằn, đuôi trâu, tiếng nó như tiếng người hô to.”
Quán Sơ
Quán Sơ, ngựa một sừng, là một loài Cát thú chống lửa. Trên sừng của Quán Sơ có hoa văn đan chéo vào nhau, giống như áo giáp. 《Đồ Tán》 của Quách Phác ghi chép: “Loài thú ngăn ngừa hỏa hoạn, tên nó là Quán Sơ.”
Quán Sơ trích từ 《Sơn Hải Kinh · Bắc Sơn Kinh》: “Đới Sơn, có loài thú, dạng nó như con ngựa, một sừng có đan chéo, tên nó là Quán Sơ 矔疏, có thể chống lửa.”
Mạnh Hòe
Mạnh Hòe có ngoại hình giống con nhím, lông màu đỏ tươi, âm thanh giống như tiếng mèo kêu. Mạnh Hòe còn được gọi là Mãnh Hòe 猛槐, là kỳ thú có thể ngăn điềm dữ trừ tà. 《Đồ Tán》 của Quách Phác viết: “Mãnh Hòe giống như con lửng, nhưng lông nó thì lại màu đỏ. Liệt vào hàng Úy thú, trừ hung tà. Áp chế khí thế, chớ không thấy hành động.”
Mạnh Hòe trích từ 《Sơn Hải Kinh · Bắc Sơn Kinh》: “Núi Tiếu Minh, có loài thú, dạng nó như con lửng mà lông đỏ, tiếng nó như “liu liu”, tên là Mạnh Hòe 孟槐, có thể ngăn điềm dữ.”
Xem tiếp: Sơn Hải Kinh – Dị thú Phần 5
(Trích nguồn: https://niemlam.wordpress.com/)