Việt Vương Thành, tục gọi là thành Khả Lũ, có một cái ao cổ, Quốc vương mỗi năm lấy ngọc châu, dùng nước ao ấy rửa thì sắc ngọc tươi đẹp. Giao Châu Ngoại vực ký chép: hồi xưa, chưa có quận huyện, thì Lạc điền tùy theo thủy triều lên xuống mà cày cấy. Người cày ruộng ấy gọi là Lạc dân, người cai quản dân gọi là Lạc Vương, người phó là Lạc Tướng, đều có ấn bằng đồng và dải sắc xanh làm huy hiệu. Vua nước Thục, thường sai con đem ba vạn binh, đi chinh phục các Lạc Tướng, nhân đó cử giữ đất Lạc mà tự xưng là An Dương Vương. Triệu Đà cử binh sang đánh. Lúc ấy có một vị thần tên là Cao Thông xuống giúp An Dương Vương, làm ra cái nỏ thần, bắn một phát giết được muôn người.
Triệu Đà biết địch không lại với An Dương Vương, nhân đó trú tại huyện Võ Ninh, khiến Thái Tử Thủy làm chước tá hàng để tính kế về sau.
Lúc Cáo Thông đi, nói với vua An Dương Vương rằng: “Hễ giữ được cái nỏ của ta, thì còn nước, không giữ được thì mất nước”.
An Dương Vương có con gái tên là Mỵ Châu, thấy Thái Tử Thủy lấy làm đẹp lòng, rồi hai người lấy nhau. Mỵ Châu lấy cái nỏ thần cho Thái Tử Thủy xem, Thủy xem rồi lấy trộm cái lẫy nỏ mà đổi đi. Về sau Triệu Đà kéo quân tới đánh thì An Dương Vương bại trận, cầm cái sừng tê vẹt được nước vào biển đi trốn, nên Triệu Đà chiếm cả đất của An Dương Vương. Nay ở huyện Bình Địa, dấu tích cung điện và thành trì của An Dương Vương hãy còn.
Lưu Chiêu nói: Giao Chỉ tức là nước An Dương. Mã Phục Ba đời Hán dẹp yên giặc ở Giao Chỉ, rồi dựng trụ đồng để làm giới hạn cho nhà Hán. Đời nhà Đường, Mã Tống làm chức An Nam đô hộ, lại dựng hai cái trụ đồng, vì Tống là con cháu của Phục Ba. Xưa có truyền lại rằng: “Hễ cái trụ đồng này gãy, thì nước Giao Chỉ tiêu diệt”, vì thế, người Giao Châu, mỗi khi đi ngang qua đều lấy đá, ngói, ném vào dưới chân cột đồng, nên chẳng bao lâu, nơi ấy hóa thành gò.
Đỗ Phủ có câu thơ rằng: “Vũ lai đồng trụ bắc, ý tẩy Phục Ba quân” nghĩa là: “mưa phía Bắc đồng trụ, muốn rửa quân Phục Ba”.
Ở cương giới nước Chiêm Thành cũng có cột đồng. Mạnh Hạo Nhiên có câu thi: “Đồng trụ Nhật Nam đoan”, nghĩa là cột đồng đứng đầu đất Nhật Nam.
Sách Cửu Vực Chí nói: “cái giếng tại Giao Châu không phải người đào”.
Mã Viện khi đã dẹp yên Giao Chỉ, có làm trâu bò, lọc rượu để đãi quân sĩ, trong lúc yến tiệc, Viện thong thả nói với liêu thuộc rằng: ‘Người em họ của ta tên là Thiếu Du thường hay thương tôi khẳng khái có chí lớn và nói: “kẻ sĩ sinh ở đời, miễn sao vừa đủ ăn mặc, đi cái xe tầm thường, cưỡi con ngựa xấu xí, làm chức lại thuộc trong quận, giữ phần mộ của tổ tiên, làng xóm cho là người hiền lành, như vậy thì đủ rồi. Còn như ham muốn cho dư dũ, thì chỉ là tự mình làm khổ mình đó thôi”. Hồi ta ở giữa Lãng Bạc và Tây Lý, chưa diệt được giặc, dưới thì nước lụt, trên thì khói mù, khí độc hừng hực, xem lên thấy diều bay là là xuống nước, nhớ lại lời nói bình thời của Thiếu Du, ta tiếc không làm sao được như vậy”.
Câu chuyện kết lại bằng một câu nói đầy ý nghĩa khiến mỗi người chúng ta đều buộc phải suy ngẫm. Trong cuộc sống, có ai mà không muốn làm được những điều lớn lao, có ai mà không muốn được lưu danh thiên cổ để người đời luôn tưởng nhớ? Con người có chí lớn vốn là điều tốt, nhưng cũng đừng bao giờ quên rằng cuộc sống của chúng ta bắt nguồn từ những điều rất nhỏ. Thời xưa, kẻ sĩ chỉ cần đủ ăn đủ mặc, sống hài hòa mà thiện lương, được láng giềng xem là người hiền lành là đủ rồi; cũng đâu có mong ước giàu sang, dư giả. Bởi họ hiểu rằng, lòng tham của con người vốn không có giới hạn, và sẽ chẳng bao giờ con người cảm thấy đủ với những gì đang có, rồi lại cả một đời lao tâm khổ tứ, tranh đấu ngược xuôi để đạt được những điều này khác. Bậc trí giả là người biết đủ, biết hài lòng với những gì mình đang có.
Mỗi người đều có thế giới quan của riêng mình, từ đó mà dần dần định hình được đích đến của đời người. Sống như nào là do tự mình lựa chọn, nhưng hãy luôn nhớ rằng khi bạn sống với nội tâm hiền lành, lương thiện thì cuộc sống sẽ mang đến cho bạn sự hài hòa, bình an. Cuộc sống chính là tấm gương phản chiếu nội tâm của mỗi người.