《Đạo Đức Kinh》Bốn câu nói nhìn thấu nhân sinh

“Đao Đức Kinh” viết rằng: “Đạo sinh ư an tĩnh, đức sinh vu khiêm ti, phúc sinh ư thanh kiệm, mệnh sinh ư hòa sướng.”

Lão Tử lưu lại cuốn “Đạo Đức Kinh” bao hàm triết lí nhân sinh thâm thúy. Nếu như chúng ta có thể không ngừng nghiên cứu và học hỏi trong cuộc đời, không ngừng tu hành thì tự nhiên dần dần có thể nhìn thấu bản chất của sinh mệnh. Đời người cũng không còn mơ hồ và gặp phải tai họa. Trí huệ, đức hạnh, phúc khí, thọ mệnh trong sinh mệnh một người có thể được tóm gọn trong bốn. Bạn có biết đó là bốn câu gì chăng?

1. Đạo sinh ư an tĩnh

Lão Tử nói: “Trí hư chí, thủ tĩnh đốc. Vạn vật bính tác, ngô dĩ quan kì phục.” Ý tứ của câu này là: chỉ khi tâm của một người an định và tĩnh tại thì mới có thể quan sát và thể ngộ được nguyên lý vận hành của trời đất vạn vật.

Đây cũng chính là “cầu Đạo chi Pháp” mà Lão Tử giáo huấn hậu nhân. Sự suy xét có nguồn gốc từ chỗ đơn độc và trí huệ được sinh ra từ sự an tĩnh. Một người ngày nào tâm tình cũng xao động và bất ổn thì không thể nào có được trí huệ.

Trong “Trang Tử” cũng từng nhắc đến chuyện một cao nhân đẽo gỗ làm ra cái cự (một loại nhạc cụ thời cổ đại, hình dạng giống như cái chuông), kĩ nghệ của ông sớm đã tiến nhập vào cảnh giới của “Đạo”. Lúc mọi người nhìn thấy cái cự ông làm ra đều phải thán phục kĩ nghệ siêu thường của cao nhân này.

Có người hỏi ông ta về phương pháp làm cái cự. Ông ta nói: “Chỉ cần ‘trai dĩ tĩnh tâm’ (ý tứ là: thanh tâm quả dục và tĩnh tâm) , ngoài điều đó ra thì không có gì đặc biệt cả.” Làm một người có thể đạt đến cảnh giới “trai dĩ tĩnh tâm” thì tự nhiên có thể gần với “Đạo”.

2. Đức sinh vu khiêm ti

“Chu Dịch”: “Khiêm, đức chi bính dã; nhượng, phúc chi sinh dã.” Khiêm nhường là căn bản của phẩm đức. Khiêm nhường cũng là khởi đầu của đức. Muốn biết nhân phẩm của một người thế nào thì chỉ cần xem người đó có biết khiêm nhường hay không.

Núi không rời đá vì thế mà trở nên hùng vĩ, biển không rời nước vì thế mà trở nên rộng lớn.

Khiêm nhường là một loại bao dung. Khiêm tốn ở nơi thấp thì có thể bao dung rộng lớn.

Không bêu rếu điểm yếu của người khác và không hiển thị điểm mạnh của bản thân mình.

Khiêm nhường là một loại tu dưỡng, thiện đãi người khác, bảo trì khiêm tốn, để cho người khác có đường thoái lui.

Người quân tử lấy thái độ khiêm tốn để tu dưỡng bản thân mình. Trong 64 quẻ Chu Dịch, mỗi quẻ đều có hai mặt chính phản, có được có mất, có lợi có hại. Duy nhất chỉ có quẻ “khiêm” là có lợi mà không có hại.

Nếu như một người có thể khiêm tốn đối với người khác, lặng lẽ làm mọi việc, không có tâm ngạo mạn thì cuộc đời người đó sẽ không có tai họa, dù sớm hay muộn sẽ có thể đắc được hồi báo.

3. Phúc sinh ư thanh kiệm

“Đạo Đức Kinh” viết: “Ngô hữu tam bảo, trì nhi bảo chi: nhất viết từ, nhị viết kiệm, tam viết bất cảm vi thiên hạ tiên.” Người biết đủ xem nhẹ danh lợi, không để dục vọng phát triển vô hạn độ, cần kiệm sống qua ngày thì mới có phúc khí.

Lý Thương Ẩn từng nói: “Nhìn lại những triều đại trước đây, thành bởi cần kiệm bại bởi xa hoa.” Quốc gia như thế, con người cũng đồng dạng như vậy.

Ăn uống điều độ không làm tổn thương hệ tiêu hóa, vui chơi có chừng mực sẽ giảm bớt hao tổn sức lực, biết kiềm chế tham cầu dục vọng tự nhiên sẽ được nhàn nhã và thảnh thơi. Tâm tịnh như nước, đứng trước sóng lớn mà không kinh hãi, ít tham cầu dục vọng nên tâm không xao động, tu tâm dưỡng tính thì tự nhiên sẽ có phúc.

Dương Chấn nổi tiếng là vị quan thanh liêm thời Đông Hán. Một hôm trong đêm tối có người mang tiền đến biếu, Dương Chấn đã một mực cự tuyệt. Người đó nói với Dương Chấn: “Sẽ không có ai biết chuyện này.”Dương Chấn nghiêm nghị trả lời: “Trời biết đất biết, ngươi biết ta biết, làm sao có thể nói rằng không có ai biết chứ?” Dương Chấn chỉ với một câu nói chính trực đã khiến đối phương xấu hổ bỏ đi. Bởi vì Dương Chấn đã kiến lập nền tảng gia phong cho con cháu đời sau, nên sau này bản thân ông cho đến con trai, cháu trai, cháu cố, cả bốn đời nhà họ Dương đều làm thầy giáo của Hoàng đế, giữ chức quan cao nhất trong triều đình và được rất nhiều phúc báo.

Thuần phác đơn giản phúc khí sẽ tự đến, vậy nên nói là “phúc sinh ư thanh kiệm”.

4. Sinh mệnh ư hòa sướng

“Đạo Đức kinh” viết: “Đạo sinh nhất, nhất sinh nhị, nhị sinh tam, tam sinh vạn vật. Vạn vật phụ âm nhi bảo dương, xung khí dĩ vi hòa.” Vạn vật sinh ra bởi âm dương là đạo lý trường thịnh bất suy (ý tứ là hưng thịnh lâu dài không suy bại), nhưng điều quan trọng là ở chỗ âm dương có điều hòa hay không.Âm dương điều hòa thì khí huyết lưu thông.

Danh y Trương Bồi Nhân thời nhà Thanh từng nói: “Người ôn hòa vui vẻ thì tâm khí sung mãn, ngũ tạng mạnh khỏe.”

Làm một người giữ được nội tâm bình tĩnh tường hòa, lấy một trái tim bình thản để đối diện với mọi việc lớn nhỏ trong cuộc sống thì đó chính là thuận theo tự nhiên, dù ở bất cứ đâu cũng có thể thản nhiên, ngũ tạng tự nhiên sẽ khỏe mạnh. Ở đây không chỉ bao hàm triết lí nhân sinh thâm thúy mà còn là bí quyết dưỡng sinh trường thọ.

Người có tâm thái bình hòa nội tạng sẽ không dễ dàng bị tổn thương bởi những chuyện vui buồn quá mức. Bởi vì không có thứ để tranh giành nên nội tâm sẽ không u sầu, lời nói hành vi cũng an nhiên tự tại thì đương nhiên sẽ khỏe mạnh sống lâu.

Nguồn: secretchina