Tứ đại hung thú
Trong truyền thuyết thời thượng cổ Trung Quốc, tứ đại hung thú bao gồm hóa thân của bốn danh thần sau khi chết, tức Tam Miêu, Hoan Đâu, Cổn và Công, bởi vì làm nhiều việc ác, không tu đức, bị giáng chức hạ phàm mà hóa thành hung thú, trở thành: Thao Thiết, Hỗn Độn, Đào Ngột và Cùng Kỳ.
1. Hỗn Độn
Đào Dị Kinh nói: Tây Côn Luân có giống thú dáng như chó, lông dài, bốn chân, giống như gấu mà không có vuốt, có mắt mà không mở được, không thấy được, có tai mà không thể nghe, có bụng mà không có ngũ tạng. Mâu thuẫn với người đức hạnh, nương nhờ vào kẻ hung đức. Tên là Hỗn Độn.
Hỗn Độn là do oán khí của Hoan Đâu khi chết hóa thành, là một hung thần thời thượng cổ với dáng vẻ giống chó hoặc gấu. Người không có cách nào nghe thấy nó, cũng không thể nhìn thấy nó. Nó thường hay cắn đuôi mình và ngửa mặt lên trời cười. Hỗn Độn không sống trong vô vi. Nếu như gặp người cao thượng, Hỗn Độn sẽ ngấu nghiến người đó. Nếu như gặp kẻ ác nhân, Hỗn Độn sẽ tuân theo sự chỉ huy của kẻ đó.
Hỗn Độn bởi vì đã hỗn lại loạn cho nên hậu thế cho rằng “Hỗn Độn không có phần người”. Sử ký “Ngũ Đế bản kỷ thứ nhất” có nói: “Xưa kia Đế Hồng thị có con trai bất tài, che giấu tặc tử để làm điều hung ác, thiên hạ gọi là Hỗn Độn.” Sơn Hải Kinh – Tây Thứ Tam Kinh viết: “Có loài thú, dáng trông như cái túi, màu đỏ như lửa, sáu chân bốn cánh, mắt đục ngầu, mang danh Hỗn Độn.”
2. Cùng Kỳ
Cùng Kỳ là ác thần thượng cổ của Trung Quốc, có dáng như trâu, ngoại hình như hổ, khoác trên da lớp lông như nhím, mọc cánh. Cùng Kỳ có tiếng kêu giống chó, ăn thịt người.
Nghe nói Cùng Kỳ thường xuyên bay đến những nơi đánh nhau để ăn mũi của người tốt; nếu có người làm việc ác, Cùng Kỳ sẽ bắt dã thú tặng cho kẻ đó, đồng thời cổ vũ hắn làm nhiều chuyện xấu hơn. Cổ nhân cũng hay gọi những kẻ xa quân tử, gần tiểu nhân, hay có ý đồ bất chính là Cùng Kỳ.
Thần Dị Kinh có ghi chép: “Tây Bắc có giống thú như hổ, có cánh, bay được, có thể giết người để ăn thịt, biết ngôn ngữ loài người, gặp người tốt thì ăn hết người, gặp người trung tín thì ăn mũi người, gặp ác nhân thì dâng hiến thú cho nó, tên là Cùng Kỳ.”
“Cùng Kỳ” cũng dùng để ví von những người bội bạc. Theo 《Tả Truyện · Văn Công Thập Bát Niên: “Thiếu Hạo thị 少皞氏 có đứa con bất tài, người dân trong thiên hạ gọi là Cùng Kỳ 穷奇.” Vua Thuấn đày nó đi, “Dời đến bốn đời, làm yêu ma quỷ quái”.
3. Đào Ngột
Thần Dị Kinh – Tây Hoang Kinh có nói: “Tây hoang có giống thú dáng to như hổ, lông dài hai thước, chân hùm mặt người, đuôi dài một trượng tám thước, nhiễu loạn Tây hoang, tên là Đào Ngột”.
Mạnh Tử – Ly Lâu Hạ có viết: “Tấn chi Thừa, Sở chi Đào Ngột, Lỗ chi Xuân Thu, nhất dã.” Thừa, Đào Ngột và Xuân Thu đều là tên trong quốc sử, mà Sở sử chuyên gọi là Đào Ngột.
Đào Ngột là thượng cổ hung thú. Về sau Đào Ngột được dùng để ví von những người hung ác, cố chấp không chịu thay đổi thái độ.
Tả truyện Văn Công Thập Bát Niên có nói: “Chuyên Húc thị có con trai bất tài, không thể giáo huấn, không lựa lời phát ngôn, bảo ban thì bướng, bỏ thì lại quậy, kiêu ngạo hung tàn, thường xuyên làm loạn, dân trong thiên hạ gọi là Đào Ngột”.
4. Thao Thiết
Trong truyền thuyết Hiên Viên Hoàng Đế đại chiến với Xi Vưu, Xi Vưu bị thua trận, đầu rơi xuống đất hóa thành Thao Thiết.
Trên đại đỉnh Ân Chu có hình khắc Thao Thiết, đầu dữ tợn, hai mắt sáng ngời, dáng vẻ thịnh nộ, mũi lồi ra; trên đầu có một đôi sừng thú uốn lượn, hai chân cũng uốn lượn giống như vô định phương hướng, có lúc giống như sừng dê, có lúc lại giống như sừng trâu; miệng lớn nhe ra, răng nhọn như lưỡi cưa, miệng hơi cong vào bên, hoặc miệng ngậm chặt. Ngồi xổm, khom lưng, đầu chạm đất hoặc cưỡi lên mây, hai bên có một cặp móng vuốt sắc bén như móng chó hoặc hổ. Hai bên đầu có hai cái lỗ tai như hai cục thịt.
Trong Thần dị kinh có ghi chép lại: Ở phía tây nam có loài thú mặt người, thân mình nhiều lông, trên đầu đội con lợn, tham lam độc ác, tích lũy của cải mà không dùng, giỏi cướp thóc lúa của người.
Sơn Hải Kinh – Bắc Sơn Kinh thuật lại: “Trên núi Câu Ngô có nhiều ngọc quý, dưới núi có nhiều quặng đồng. Tại đây có một giống thú thân dê mặt người, mắt nằm dưới nách, răng hổ móng người, tiếng như hài nhi, gọi là Bào Hào, ăn thịt người”. (Bào Hào là tên gọi khác của Thao Thiết.)
Các loài hung thú khác trong truyền thuyết Trung Hoa
Điều Dong
Điều Dong là một loài quái thú vừa giống cá vừa giống rắn. Dáng nó như một con rắn vàng, nhưng lại có vây cá, trên người có vầng sáng rất sáng bao phủ. Điều Dong là Hung thú trong truyền thuyết, trên người có kịch độc, nhìn thấy nó chính là dấu hiệu đại hạn và hoả hoạn. 《Đồ Tán》 của Quách Phác viết: “Điều Dong dạng rắn, vỗ cánh rắc ánh sáng, trôi đi bằng vào cưỡi sóng, ra vào sông Trường Giang và Tương Giang 江湘, gặp thì năm hạn, là dấu hiệu hoả hoạn.”
Điều Dong trích từ 《Sơn Hải Kinh · Đông Sơn Kinh》: “Độc Sơn 独山, sông 末涂 Mạt Đồ đi ra, rồi chảy về hướng đông nam trút vào sông Miến Thuỷ 沔水, trong nước nhiều Điều Dong 䖺䗤, dạng nó như rắn vàng, vây cá, ra vào có ánh sáng, gặp thì thiên hạ đại hạn.”
Yết Thư
Yết Thư là một loài quái thú tập hợp đặc điểm của ba loài động vật sói, chuột, heo thành một thể. Hình dáng nó như con sói, có cái đầu màu đỏ, mắt của con chuột, nhưng tiếng kêu lại giống như con heo. Yết Thư là một loài Hung thú, thích ăn thịt người. 《Cổ Âm Lược》 có nói: “Có thú mày đỏ mắt chuột, tên là Yết Thư, cùng tên này không giống.”
Yết Thư trích từ 《Sơn Hải Kinh · Đông Kinh thứ tư》: “Núi Bắc Hiệu 北号, có loài thú, dạng nó như con sói, đầu đỏ mắt chuột, tiếng kêu như tiếng heo sữa, tên là Yết Thư 猲狙, ăn thịt người.”
Kỳ Tước
Kỳ Tước là một loài kỳ thú tập hợp đặc trưng của ba loài động vật chim, chuột, hổ thành một thể. Hình dáng Kỳ Tước như con gà, đầu màu trắng, móng vuốt của con hổ. Kỳ Tước là Hung thú trong truyền thuyết, vô cùng thích ăn thịt người. 《Đồ Tán》 của Quách Phác viết: “Yết Thư giảo thú, Kỳ Tước ác điểu, có thân sói, có vuốt hổ. Đâu dùng binh giáp, lấy quấy nhiễu làm đạo.”
Kỳ Tước trích từ 《Sơn Hải Kinh · Đông Kinh thứ tư》: “Núi Bắc Hiệu, có loài chim, dạng nó như con gà mà đầu trắng, chân chuột mà vuốt hổ, tên là Kỳ Tước 鬿雀, ăn thịt người.”
Hợp Dũ
Hợp Dũ là một loài nhân thú mặt người ăn thịt người. Dáng vẻ nó giống như con heo, có cái đầu người, toàn thân có màu vàng, đuôi đỏ thẫm. Hợp Dũ kêu lên giống như trẻ sơ sinh đang khóc. Truyền thuyết kể rằng Hợp Dũ là một loài Hung thú, trời sinh thích ăn thịt người, cũng ăn côn trùng và rắn, chỉ cần là nơi nó xuất hiện thì nhất định sẽ xảy ra hồng thủy.
Hợp Dũ trích từ 《Sơn Hải Kinh · Đông Kinh thứ tư》: “Diệm Sơn 剡山, có loài thú, dạng nó như con heo mà mặt người, thân vàng đuôi đỏ, tên là Hợp Dũ 合窳, tiếng nó như trẻ sơ sinh. Đó là thú, ăn thịt người, cũng ăn sâu rắn, gặp thì thiên hạ đại hồng thủy.”
Tệ Tệ
Tệ Tệ là một loài quái thú vừa giống chim vừa giống thú, nó có ngoại hình như hồ ly, trên lưng có cánh chim, nhưng không biết bay. Tiếng kêu của Tệ Tệ như chim hồng nhạn, Tệ Tệ là Hung thú trong truyền thuyết, tượng trưng cho đại hạn. 《Biền Nhã》 ghi chép: “Tệ Tệ cánh chim, thuộc giống cáo.” 《Đồ Tán》 của Quách Phác viết: “Tệ Tệ như cáo, có cánh không bay.”
Tệ Tệ trích từ 《Sơn Hải Kinh · Đông Kinh thứ hai》: “Núi Cô Phùng 姑逢, không cỏ cây, nhiều vàng ngọc. Có loài thú, dạng nó như con cáo mà có cánh, tiếng nó như chim hồng nhạn, tên là Tệ Tệ 獙獙, gặp thì thiên hạ đại hạn.”
Kiết Câu
Kiết Câu có ngoại hình như chim vịt trời, đuôi chuột. Kiết Câu giỏi leo trèo cây cối, truyền thuyết kể rằng Kiết Câu là một loài chim tai họa, là Hung thú có thể mang đến ôn dịch. Ngô Nhậm Thần ghi chép: “Gặp Hải Phù Mao tức thiên hạ đại loạn, loài chim này còn có tên là loài Hải Phù 海凫”
Kiết Câu trích từ 《Sơn Hải Kinh · Đông Kinh thứ hai》: “Chân Sơn, có loài chim, dạng nó như vịt trời mà đuôi chuột, giỏi trèo cây, tên là Kiết Câu 絜钩, gặp thì nước đó nhiều bệnh dịch.”
(Trích nguồn: https://niemlam.wordpress.com/)