Xét Sử Đỗ Thiên chép rằng: Vương họ Lý, tên Phục Man. Vua Lý Thái Tổ đi tuần phương đến sông Sở Bộ Đầu, thấy giang sơn tù khí, phong cảnh thắng du, nhà vua tâm thần cảm hứng, mới rót ly rượu đổ xuống tràng giang, vái rằng:
- “Trẫm xem chỗ này non xanh nước biếc, khác hẳn mọi nơi, nếu có nhân kiệt u linh, xin hưởng”.
Đêm ấy, vua mộng thấy một dị nhân cao đại, mặt hổ râu rồng, y phục trang nghiêm, cân hài chỉnh tề, đến trước nhà vua cúi đầu lạy hai lạy mà tâu rằng:
- “Thần vốn là người ở làng này, họ Lý, tên Phục Man, giúp Lý Nam Đế làm Tướng quân, nhờ sự trung liệt được vua biết tên, mới sai trấn thủ hai dải sơn hà Đỗ Động và Đường Lâm, mọi lào đều sợ không dám phạm biên, một phương yên ổn. Đến lúc chết, Thượng đế thương kẻ trung nên cho giữ chức như cũ. Nay, thần xin kể một vài chuyện để Bệ hạ nghe thử. Thời vua Tương Vương nhà Đường, thần thường đem quỷ binh theo Khâu Hòa phá được nghịch tặc là Nịnh Tràng Chân ở cửa Giáp Sơn, thời vua Túc Tông lại phá được giặc Đại Thực Ba Tư ở cửa Thần Thạch, thời vua Đại Tông lại phá được giặc Côn Lôn, Đồ Bà ở Chu Diên. Cao vương phá nước Nam Chiếu; Ngô Tiên Chúa phá nước Nam Hán, vua Lê Đại Hành phá Tống binh, mỗi lần xuất binh chinh phạt, thần ở trên không đem quỷ binh ám trở, thảy đều có công. Thần lại thường thống suất quân binh quỷ thần, vâng theo mệnh Thiên đế phá giặc Chiêm Thành ở trấn Giáp Sơn. Đến khi thần mệnh một, u linh không tán, thôn dân kính mến, lại sợ không ai phòng thủ, mọi lào đến cướp bóc, nhân đó lập đền thờ phụng; bởi vậy, thần thường phảng phất ở khoảng trời mây, phàm gặp khi có dụng binh, thần ở trên không ám hộ, nghịch lỗ nhập khấu thì đều hãn ngự được. Bấy giờ, gặp Bệ hạ loan giá quang lâm, thần xin đến bái yết.
Nói đoạn, ngâm bốn câu thơ rằng:
- “Thiên hạ toàn mông muội
Hãy tạm ẩn thanh danh,
Giữa trời nêu nhật, nguyệt,
Quang diệu ấy chân hình.”
Ngâm xong liền biến mất; vua chưa kịp đối đáp, hốt nhiên tỉnh dậy, nói lại với tả hữu; quan Ngự sử Đại Phu Lương Văn Nhậm nói:
- “Đó là lời thần muốn hiển linh để lập hình tượng”.
Vua sai người xin keo, quả nhiên lập ứng.
Vua sắc cho người trong châu lập đền thờ, tác tượng thần y như đã trông thấy trong mộng, miếu mạo sum liệt, làm Phúc thần một phương.
Trong thời Nguyên Phong, Thát Đát nhập khấu, đến biên cảnh thì ngựa què không tiến được; thôn dân biết có sức thần ám trợ mới đem dân chúng ra cự chiến, chém được đầu giặc; giặc thua chạy tán loạn, không dám trở lại dòm ngó bờ cõi nữa. Khẩu tặc bình xong, sách phong Chứng An Nam Quốc Công, chiếu cho thôn ấy đổi tên là Hộ xá Chứng An.
Niên hiệu Trùng Hưng năm đầu, giặc Bắc lại vào ăn cướp, mấy chỗ khác đều bị đốt cháy cả, duy có ấp này như có phòng hộ, một mảy lông mùa thu cũng không bị phạm tới.
Giặc bình xong, sắc phong Chứng An Vương, năm thứ tư gia phong hai chữ Minh Ứng, nam Hưng Long thứ hai mươi mốt, gia phong hai chữ Tá Quốc, càng ngày càng thêm linh ứng vậy.
(Trích “VIỆT ĐIỆN U LINH TẬP”)