Bảo Quốc Trần Linh Định Bang Quốc Đô Thành Hoàng Đại Vương – Thần Sông Tô Lịch

Xét Sử, Giao Châu Ký và truyện Báo Cực thì Vương vốn họ Tô, tên Lịch, làm quan lệnh ở Long Đọ, làng ở trên bờ sông nhỏ, gia tư không hào phú lắm, tề gia lấy sự hiếu đễ làm trọng, đã ba đời nhân nhượng nhau không ở riêng biệt.

Thời nhà Tấn thì đậu Hiếu Liêm, có lời chiếu biểu dương môn lư của Vương, gặp năm mất mùa thiếu ăn, chiếu đong lúa kho cho Vương, lấy tên Vương là Tô Lịch đặt tên thôn.

Thời vua Mục Tông nhà Đường, năm Trường Khánh thứ hai, quan Đô Hộ lý Nguyên Hỷ thấy ngoài cửa bắc thành Long Biên có dòng nước chảy ngược, địa thế khả quan mới tìm chỗ cao ráo để rời Phủ Lỵ đến; quy chế trù liệu là cửa kép tường đôi, bốn hướng vây tròn, nhà cửa san sát, ấy là cố trạch của Vương lúc sinh thời vậy. Nhân cơ hội ấy, quan Đô Hộ thiết trâu đặt rượu, mời tất cả các kỳ lão hương thôn đến ăn uống, rồi thuật truyện muốn tâu xin phụng Vương làm thành hoàng thì trên dưới một lòng, mưu tính bàn bạc với nhau rất thỏa thiếp.

Khi ấy bàn tính việc khởi công làm đến thờ, chẳng bao lâu đền thờ làm xong thì là một tòa đền lớn, nguy nga tráng lệ; ngày khánh thành, trăm điệu múa đều có, đàn địch vang trời. Đất bởi người mà đẹp, người bởi đức mà long trọng, có phải vậy không?

  • “Mong được Sứ quân ủy cho ta chủ thành, nếu Sứ quân có giáo hóa cư dân trong thành cho hết lòng hết sức thì mới sung được nhiệm vụ của quan thú mục, mới xứng với trách nhiệm của một bậc tuần lương”.

Nguyên Hỷ vái tạ xin vâng, hỏi đến họ tên thì không đáp. Hốt nhiên tỉnh dậy mới hay là mộng. Kịp đến lúc Cao Biền xây thành Đại La, nghe Vương linh dị, lập tức đem lễ điện tế bái chức Đô Phủ Thành Hoàng Thần Quân.

Thời Lý Thái Tổ dời đô thường mộng thấy một ông đầu bạc, phảng phất đứng trước bệ rồng, cúi đầu lạy hai lạy hô vạn tuế. Vua lấy làm lạ, hỏi tính danh thì ông tâu rõ lai lịch như thế. Vua cười bảo rằng:

  • “Tôn thần cũng giữ được hương lửa trăm năm hay sao?”.

Ông liền đáp:

  • “Mong muốn hoàng đồ như Thái Sơn bàn thạch, thánh thọ vô cương, trong triều ngoài quận thái hòa, bọn thần không chỉ hương hỏa một trăm năm mà thôi”.

Vua tỉnh dậy, khiến quan Thái chúc đem rượu đến tế, phong làm Quốc Đô Thăng Long Thành Hoàng Đại Vương. Dân cư cầu đảo hoặc thề nguyện điều gì, lập tức thấy họa phúc linh ứng.

Niên hiệu Trùng Hưng năm đầu, sắc phong hai chữ Bảo Quốc; năm thứ tư, gia phong hai chữ Hiển Linh, năm Long Hưng thứ hai mươi mốt, gia phong hai chữ Định Bang.

(Trích “VIỆT ĐIỆN U LINH TẬP”)