Buông bỏ lỗi lầm của người khác chính là giải thoát tâm của bản thân mình

Tôi cảm thấy đầy cảm xúc khi đọc được những điều sau.

Lúc mười tuổi còn nhỏ chưa biết chuyện, cảm thấy con người sống không nên chịu đựng tủi nhục, khi gặp phải người mình không thích và việc không thuận tâm thì cất giữ trong lòng, một chút cũng không muốn bỏ qua.

Lúc hai mươi tuổi, tuổi trẻ bồng bột, làm việc gì cũng háo thắng, thường phàn nàn vì bị người khác hiểu lầm, tâm tình hay kích động thất thường vì bị người yêu bỏ, không cam tâm bỏ qua mọi việc.

Lúc ba mươi tuổi, tự mình hiểu ra thế sự vô thường, nếm trải đau khổ, mặc cho thời gian trị lành vết thương, nếm trải tủi nhục mới biết dần dần buông tâm, đối diện với những việc không như ý cũng không oán hận, không phiền não.

Trong đời người khó mà tránh khỏi việc thay đổi bạn bè, thay đổi người yêu, trải qua một số hiểu lầm hoặc trải qua tâm tình lạnh nhạt.

Ban đầu, có lẽ vì nó mà bạn đã khóc rất nhiều, trong tâm không ngừng oán trách, suy nghĩ làm sao để trả thù.

Nhưng khi mọi việc đã đi qua thì mới dần dần hiểu rõ một điều:

Oán hận một người và ghi nhớ lỗi lầm của đối phương chỉ khiến bản thân mình bị tổn thương.

Câu chuyện thứ nhất:

Có một tiểu sa di đi gánh nước, trên đường quay về thì bị rắn cắn. Sau khi về đến tự viện chữa trị vết thương xong, tiểu sa di kiếm một cây tre dài chuẩn bị đi đánh con rắn.

Pháp sư nhìn thấy liền hỏi cậu ta: “Vết thương của con vẫn còn đau à?”

Tiểu sa di nói: “Vết thương không còn đau nữa.”

Pháp sư nói: “Đã không còn đau nữa, sao con còn đi đánh con rắn làm chi?”

Tiểu sa di trả lời: “Bởi vì con hận nó.”

Pháp sư lại nói: “Nó cắn con thì con hận nó. Giờ con đi đánh nó thì nó cũng hận con. Nó sẽ phải cắn con. Con và nó vì hận nhau mà kết oán, nhưng con là con người, con nên sớm buông bỏ tâm báo thù đi. Thánh nhân không chỉ là phải hiểu việc hóa giải thù hận của bản thân mà còn phải dùng thiện để hóa giải thù hận của đối phương.”

Tiểu sa di bình tĩnh lại, nhìn chằm chằm vào Pháp sư.

Pháp sư lại nói: “Con người trên thế giới đối với hận thù thường có ba loại đối đãi như sau:

Loại thứ nhất là ghi nhớ thù hận, giống như đặt một cục bùn đất vào trong tâm mình, bản thân sẽ phải chịu đựng sự thống khổ mà thù hận mang đến trong cuộc sống.

Loại thứ hai là mau chóng quên đi thù hận lấy lại sự bình hòa và vui vẻ cho bản thân mình, cũng giống như phá tan cục bùn đất kia rồi trồng hoa lên đó.

Loại thứ ba là chủ động hòa giải với kẻ thù, giải khai khúc mắc trong tâm của đối phương, giống như mang đóa hoa sinh ra trong tâm mình tặng cho đối phương.

Nếu như con có thể dùng loại thứ ba để đối đãi thì con đã cách cảnh giới của thánh nhân không còn xa nữa.”

Tục ngữ thường nói: một niệm thiên đường, một niệm địa ngục.

Đạo lý cũng giống như vậy, buông bỏ lỗi lầm của người khác để có được sự giải thoát. Hận thù và oán giận chỉ có thể mang lại những thống khổ vô tận.

Câu chuyện thứ hai:

Có người nói người chịu tổn thương không phải là bạn nên bạn có thể dễ dàng nói ra phải biết buông bỏ. Nếu như mang tổn thương đó đặt lên người bạn thì xem bạn làm thế nào để buông bỏ nó?

Thuận theo việc trên thế giới không còn sự đồng cảm chân thành thì việc buông bỏ không còn đại biểu cho sự tha thứ. Nó chỉ là không để cho lỗi lầm của đối phương trở thành lí do khiến cho bản thân đau khổ.

Bạn có thể bỏ oán hận hoặc có thể không buông nhưng đồng thời theo đó, thế giới của bạn cũng trở nên âm ám và u sầu.

Tôi nghe một người bạn kể một câu chuyện như sau:

Một người bạn học chung lớp hay bị bắt nạt lúc nhỏ chuẩn bị tham gia tiệc họp mặt lớp. Có một điều là anh ấy hôm nay đã không còn là một nam sinh yếu đuối thời đó, mà đã trở thành một ông chủ thành đạt.

Anh ấy vẫn còn chút tâm thái muốn trả thù nên đã mời mọi người đến một nhà hàng đắt tiền, từ thức ăn đến cách bố trí và phục vụ tất cả đều yêu cầu tiêu chuẩn cao nhất. Lúc những bạn học chung ngồi xuống thì anh ấy nhìn thấy một người đàn ông trung niên vừa mập vừa hói, sự nghiệp không như ý, nói năng không một chút tự tin. Anh ấy vốn nghĩ là sẽ lấy chuyện cũ ra nói để mọi người bàn tán mỉa mai, nhưng trong lúc đó dù thế nào đi nữa anh ấy cũng không mở miệng được.

Cho đến khi ăn cơm, người bạn học cũ vừa kiêu ngạo vừa ta đây năm xưa cầm ly rượu bước đến cạnh anh ấy, đột nhiên thành khẩn xin lỗi về những việc mình đã làm ngày trước và mong anh ấy chiếu cố cho sự nghiệp của mình và việc học hành của con trai mình …

Anh ấy chưa kịp hiểu là chuyện gì, nhưng những khúc mắc trong tâm thời còn bé liền lập tức toàn bộ giải khai.

Trong một tích tắc đó, anh ấy nghe được trong tâm giọng của cậu bé bị bắt nạt năm xưa nói rằng: “Mọi việc đã xong rồi.” Lời xin lỗi sau nhiều năm hiển nhiên không thể chấm dứt nỗi thống khổ đã trải qua. Chỉ là anh ấy không muốn lại để lỗi lầm của người khác làm khổ bản thân mình, giam cầm bản thân mình tại nơi đó.

Trong phim “Trương Tam Phong” có câu nói kinh điển như sau:

“Buông bỏ gánh nặng, hướng đến sinh mệnh mới.”

Đời người trên thế gian cần phải nhìn về phía trước, phải tiến về tương lai.

Khi bạn chọn lựa buông bỏ chính là lựa chọn giải thoát cho bản thân mình, dần dần bước ra khỏi âm ám, bước sang nơi ánh quang sáng sủa. Một câu buông bỏ kì thực là sự tha thứ lớn nhất đối với bản thân. Cho dù đã từng trải qua thống khổ như thế nào, khi tỉnh lại vào buổi sớm mai thì thế giới này vẫn phồn hoa náo nhiệt.

Trên thế gian này, có người phớt lờ bạn, có người hiểu lầm bạn, có người phản bội bạn nhưng bạn phải hiểu rằng cần biết thương yêu bản thân mình. Buông bỏ lỗi lầm của người khác chính là giải thoát tâm của bản thân mình. Xóa đi những kí ức không tốt, nỗ lực sống cho tốt cuộc đời của mình.

Đời người vô cùng quý giá, hi vọng bạn hiểu rõ rằng buông bỏ không phải là gượng ép bản thân tha thứ hết thảy, mà là sự lựa chọn nhìn về tương lai để cho nội tâm bớt đi gánh nặng mệt mỏi.

Hãy để cho bản thân mình được nhẹ nhàng trong những tháng ngày thăng trầm biến động!

Nguồn: Secretchina