Hồng Khánh Khuông Quốc Trung Vũ Tá Trị Đại Vương – Phạm Cự Lương

Xét Sử ký: Vương họ Phạm, tên là Cự Lượng. Thời vua Thái Tông nhà lý, nhân phủ Đô Hộ có nhiều nghi án, quan sĩ sư không thể quyết định được. Vua muốn lập đền thờ thần, cầu những vị thần nào anh linh hiển hách, có thành tích rõ rệt ở trần hoàn để cho những kẻ gian tà đến đền bái yết thần không dám man trá. Vua mới tắm gội trai giới, thiết đàn đốt hương trình cáo với Thượng đế.

Đêm ấy Thái Tông mộng thấy một viên Sứ giả áo đỏ, phụng lệnh chỉ của Thượng đế, sắc từ Phạm Cự Lượng làm Đô Hộ Phủ Ngục Tung Manh Chủ. Vua lại hỏi rằng:

  • “Thế thì là người nào, hiện giữ chức gì ở triều ta?”.

Sứ giả nói:

  • “Ông ấy là quan Thái úy triều vua Lê Đại Hành đấy; làm tôi thì tận trung báo quốc, đích thị là một bày tôi của xã tắc; ông là người ngay thẳng dễ dãi, cử động gió sinh; sau khi mất, Thượng đế xét hỏi thì trong trắng không có một lỗi nào, hiện bổ chức Nam Tào Cuộc Trung Tuy Lệ Lộc Quan”.

Hỏi đến nhân duyên đời trước, có điều gì lầm lỗi không thì đều thưa rằng:

  • “Ông ấy đúng là một người tốt lành, cháu nội quan Châu Mục Võ An là Phạm Chiêm, con quan Tham Chính là Phạm Man; em quan Đô Úy là Phạm Dật, Phạm Chiêm giúp Ngô Tiên Chúa có công khai quốc, phong chức Đông Giáp Tướng Quân; Phạm Man giúp Nam Tấn Vương làm quan Tham Chánh Đô Hộ; Phạm Dật giúp vua Đinh Tiên Hoàng và vua Lê Đại Hành rất nhiệt liệt, làm quan Đô Thống Quân Hiệu; Cự Lượng giúp nhà Đinh sau về nhà Lê, có công tá mệnh, làm chức Đô Chỉ Huy Sứ, hộ giá quan nam đánh Chiêm Thành, chém được đầu vua giặc, được phong Thái Úy. Phụ Tử huynh đệ đời này qua đời khác đều có tiếng khen”.

Vua Thái Tông rất lấy làm phải, bèn phong tước Hoàng Chính Đại Vương. Đêm ấy, vua mộng thấy Vương đội mũ, mặc áo, đai lưng, rảo bước đến lạy trước long trì. Vua lấy làm lạ sai quan văn thần chạm đá làm bài ký để chép tích lạ.

Niên hiệu Trùng Hưng năm đầu, sắc phong hai chữ Khuông Quốc, năm thứ tư gia phong hai chữ Trung Võ. Năm Trùng Hưng thứ hai mươi mốt, gia phong hai chức Tá Trị.

(Trích “VIỆT ĐIỆN U LINH TẬP”)