Phong tục truyền thống của người Việt Nam ta đáng để con cháu đất Việt ngày nay tự hào và trân trọng! Những phong tục, tập quán tốt đẹp ấy đã dần dần được hình thành trong tiến trình lịch sử lâu dài của dân tộc, trong sự giao lưu giữa các nền văn hóa lân cận. Có nhiều phong tục theo thời gian mà mai một dần đi, nhưng cũng có những phong tục vẫn luôn tồn tại trong cuộc sống của những người dân đất Việt đến tận ngày hôm nay. Muốn hiểu rõ về lịch sử, về dân tộc ta thì trước hết ta cần hiểu được về những phong tục, tập quán của người Việt từ xa xưa. Trong “An Nam chí lược” đã viết về những phong tục của người dân Việt.
Nước An Nam xưa là đất Giao Chỉ. Vào đời nhà Đường, nhà Ngu và đời Tam Đại, sự giáo hóa của Trung Quốc đã thấm nhuần đến An Nam. Đến đời nhà Hán, đặt làm quận huyện. Đàn ông lo làm ruộng, đi buôn; còn đàn bà lo nuôi tằm, dệt vải; cách nói phô mà hiền hòa, ít lòng ham muốn. Người ở xứ xa trôi nổi đến, họ hay hỏi thăm, ấy là cái tình thường của họ. Người sinh ra ở Giao Châu, Ái Châu thì rộng rãi, có mưu trí; người ở Châu Hoan, Châu Diễn thù thuần tú, ham học. Dư nữa, thì khờ dại, thật thà. Dân hay vẽ mình là do bắt chước tục lệ của hai nước Ngô, Việt. Vì thế, Liệu Tư Hậu có câu thơ rằng: “Cộng lai Bách Việt văn thân địa”, có nghĩa là, cùng đi tới đất Bách Việt là xứ người vẽ mình. Vì trời nóng sốt, nên dân ưa tắm ở sông, họ chèo đò, lội nước rất giỏi; ngày thường không đội mũ, đứng thì vòng hai tay, ngồi thì xếp bằng hai chân. Yết kiến bậc tôn trưởng thì quỳ xuống lạy ba lạy. Tiếp khách thì đãi trầu cau. Tính ưa ăn dưa, mắm và những vật dưới biển. Hay uống rượu, nhưng thường uống quá độ nên người gầy yếu. Người già đến năm mươi tuổi thì khỏi đi sưu dịch.
Hàng năm, trước lễ Tết hai ngày, vua đi xe ngự dụng, các quan tùy tùng đều mặc triều phục hầu đạo tiền, tế điện Đế Thích. Ngày 30 Tết, vua ngồi giữa cửa Đoan Củng, các bề tôi đều làm lễ, sau đó xem các con hát múa trăm lối. Tối lại qua cung Động Nhân, bái yết Tiên Vương. Đêm ấy, đoàn thầy tu vào nội làm lễ “Khu-Na” (nghĩa là đuổi tà ma quỷ). Dân gian thì mở cửa đốt pháo tre, cổ bàn trà rượu cúng tổ. Con trai con gái nhà nghèo, không có người mai mối để làm hôn lễ, thì tự mình phối hợp với nhau. Ngày Nguyên Đán, vào khoảng canh năm, vua ngồi trên điện Vĩnh Thọ, các tôn tử (con cháu nhà vua) và các quan cận thần làm lễ hạ trước, sau đó vào cung Trường Xuân, vọng bái các lăng tổ. Buổi sáng sớm, vua ngồi trên điện Thiên An, các phi tần sắp lớp ngồi, các quan trong nội đứng lộn xộn trước điện đánh thổi các bài ca nhạc trước đại đình. Con cháu nhà vua và bề tôi sắp hàng bái hạ, ba lần rót rượu dâng lên. Xong, các tôn tử lên điện chầu và dự yến. Các quan nội thần ngồi tiểu điện phía Tây, các quan ngoại thần ngồi hai bên tả hữu vua, ăn tiệc, đến trưa lần lượt đi ra. Các thợ khéo làm một cái đài “Chúng tiên” hai tầng ở trước điện, một lúc thì cái đài ấy làm xong, vàng ngọc sáng chói. Vua ngồi trên đài ấy, các quan làm lễ, trước sau chín lạy, và chín tuần rượu rồi giải tán. Ngày mồng hai Tết, các quan đều làm lễ riêng ở nhà. Ngày mồng ba Tết, vua ngồi trên gác Đại Hưng, xem các tôn tử và các quan nội cung đánh bóng (quả cầu thêu), hễ bắt được mà không rơi xuống đất là thắng. Quả bóng lấy gấm mà làm, bằng nắm tay đứa bé, có tua đeo thòng đến hai mươi sợi. Mùng năm Tết là lễ khai hạ, ăn yến xong thì để quan và dân lễ các chùa miếu và du ngoạn các vườn hoa.
Đêm nguyên tiêu (Rằm tháng giêng), đặt những cây đèn ở giữa sân rộng gọi là đèn “Quảng Chiếu”, thắp đến mấy vạn ngọn, sáng rực cả trên trời dưới đất, thầy tu đi quanh tụng kinh Phật, các quan liêu lễ bái gọi là “chầu đèn”. Tháng hai làm một cái nhà, gọi là “Xuân Đài”, các con hát hóa trang làm mười hai vị thần, múa hát trên đài. Vua coi các trò trước sân, coi các lực sĩ và trẻ con thi với nhau, ai thắng thì được thưởng. Các công hầu thì cưỡi ngựa mà đánh trái cầu, quan nhỏ thì đánh cờ, đánh vu bồ (bài thẻ), đá bóng và thi các trò chơi khác.
Ngày hàn thực thì dùng bánh cuốn tặng cho nhau. Ngày mùng Bốn tháng tư, các tôn tử và các quan cận thần hội tại miếu Sơn thần, tuyên thệ trung thành với vua, không có chí gì khác. Mồng tám tháng tư, mài trầm hương và bạch đàn hương, dầm nước tắm rửa tượng Phật và dùng bánh giầy cúng Phật. Tết Đoan Dương (mồng năm tháng năm), làm cái nhà gác ở giữa sông, vua ngồi coi đua thuyền. Ngày Trung Nguyên, lập hội Vu Lan Bồn, để cúng tế, siêu độ cho người chết, tốn hao bao nhiêu cũng không tiếc.
Trung Thu và Trùng Cửu là những ngày mà các nhà quý tộc uống rượu, ngâm thơ đạo, xem phong cảnh. Ngày mồng một tháng mười (lương nguyệt), có trưng bày hào soạn để cúng ông bà, gọi là cúng “tiến tân” (cơm mới), cho các quan liêu đi xem gặt lúa, săn bắn. Đến tháng chạp lại cúng ông bà như trên. Theo gia lễ, ngày lập xuân đi du xuân, khiến các tôn trưởng giắt trâu đất, các quan lại giắt hoa vào đầu để vào đại nội dự tiệc.
Lễ hôn thú: trong tháng xuân, người làm mối bưng tráp trầu cau đến nhà gái hỏi. Xong, tặng lễ vật đáng giá từ trăm đến ngàn. Thường dân thì lễ cưới giá trăm là đủ số. Có nhà ưa chuộng lễ nghĩa thì không kể số tiền của ít nhiều. Cách để tang, nhà cửa, đồ dùng có nét giống với Trung Quốc.
Người Việt ta, từ xưa đã mang trong mình đức tính thật thà, hiền hòa mà ham học; không ganh đua cũng ít lòng ham muốn. Ấy là vì họ có thể hiểu được rằng, chỉ khi con người sống với tâm hồn hiền hòa, dùng tấm lòng chân thật, thiện lương mà đối đãi với người khác thì cuộc sống mới bình yên, hài hòa. Chỉ khi con người biết hài lòng với những gì bản thân mình đang có, biết thế nào là đủ, bớt đi chút lòng ham muốn thì khi ấy con người mới thật sự cảm nhận được hạnh phúc. Người Việt ham học cũng bởi lẽ họ nhận thấy rằng bản thân còn nhiều điều cần học hỏi người khác, đó là thể hiện của đức tính khiêm tốn, biết đặt mình sau người khác để dần dần hoàn thiện bản thân hơn. Trong cuộc sống hiện đại nhiều bộn bề, áp lực, khi mà sự bon chen, ganh đua diễn ra ở mọi nơi thì mỗi người chúng ta cũng cần tự mình nhìn lại và suy ngẫm. Liệu rằng, đó có phải là cuộc sống mà bản thân mình mong muốn hay không? Những giá trị đạo đức của dân tộc ta có thể giúp chúng ta ngày nay có một cuộc sống hạnh phúc, bình yên và hài hòa nếu chúng ta biết lấy những giá trị ấy làm thước đo, chuẩn mực cho tâm tính của bản thân mình.
Trải qua quá trình dài đằng đẵng của lịch sử, có những phong tục vẫn luôn tồn tại trong cuộc sống của dân ta, nhưng cũng có những phong tục chỉ tồn tại dưới dạng hình thức chứ con người vốn đã quên đi ý nghĩa chân thực của nó. Vào mỗi dịp lễ, cả vua quan và dân chúng đều tổ chức lễ bái Thần Phật. Con người thời xưa có niềm tin rất mạnh mẽ vào Thần Phật, chính niềm tin ấy đã giúp con người duy trì chuẩn mực đạo đức tương đối cao. Người xưa vẫn thường nói “Trên đầu ba thước có thần linh” cho nên khi làm nghĩ bất kể điều gì, làm bất cứ chuyện gì họ đều cân nhắc đến việc “trên không trái với Trời, dưới không trái với Đất”. Người xưa tin vào Thần Phật là để duy trì chuẩn mực đạo đức, tâm tính của bản thân mình chứ vốn không phải như ngày nay. Con người hiện tại, tin Thần Phật là để cầu Thần Phật, chứ không có nghĩ bàn đến việc đề cao tâm tính của bản thân mình như những gì Thần Phật dạy cho con người. Mong muốn rằng, mỗi người chúng ta khi đã có niềm tin đối với Thần thì sẽ đề cao tâm tính của mình, giữ cho chuẩn mực đạo đức của xã hội không đi xuống!