Tiến trình hình thành văn hiến đất Việt!

Chúng ta vẫn luôn tự hào rằng, nước Việt ta có hơn 2.000 năm văn hiến, nhưng không phải ai cũng hiểu được ý nghĩa của hai từ “văn hiến” là gì. Từ xa xưa, trong Luận ngữ (Bát Dật) của Khổng Tử đã từng nói đến văn hiến, Khổng Tử viết: “[Họ không làm thế] vì văn hiến không còn đủ nữa. Nếu còn đủ, ta có thể viện dẫn làm chứng [cho lời ta].” (Văn hiến bất túc cố dã. Túc, tắc ngô năng trưng chi hĩ ). Chu Hi (1130-1200) đã chú thích lời của Khổng Tử như sau: “Văn là kinh điển, sách vở; hiến là hiền tài.” (Văn, điển tịch dã; hiến, hiền dã.). Vậy nên, ta có thể hiểu văn hiến là kinh sách và người hiền.

Mỗi một dân tộc, quốc gia đều có nền văn hiến của riêng mình. Nền văn hiến ấy vốn dĩ không phải tự nhiên mà có! Bởi để hình thành nên nền văn hiến luôn cần có một quá trình hình thành dài đằng đẵng của lịch sử với trí tuệ kết tinh của những người dân nơi ấy, với công sức của cả dân tộc.

Trong “Việt Điện U Linh tập” viết về tiến trình hình thành nền văn hiến của nước Việt ta.

Nước ta xưa có nước Việt Thường, nói thì uốn lưỡi, thân hình vẽ rồng, phong túc phác lậu, đại khái như thổ dân các châu động ngày nay.

Từ khi Triệu Đà cai trị bảy quận, đem Thi, Thư giáo huấn quốc tục, Nhâm Diên làm Thái thú Cửu Chân lại đem lễ nghĩa dạy dỗ quốc dân, bởi vậy, nước ta mới dần dần hiểu biết văn tự có ích cho người, lễ nghĩa quan hệ đến phong tục, cái đà văn minh cũng do đó mà dần dần tiến triển. Kịp đến lúc Sĩ Phủ Quân đem sóng dư của sông Thù sông Tứ tràn dần qua Nam Hải, bàn việc trở đầu trong hội can qua, gảy đờn ca ở làng hầu hến, người nghe điếc tai vì tiếng chuông, thanh giáo phổ cập đến đâu là đấy hấp thụ được hoa phong. Sau này, triều Lý, triều Trần, triều Lê thay đổi nhau dựng trường học, đặt khoa thi, văn trị bột phát trên dưới vài nghìn năm trăm năm, nhân tài bối xuất, bèn xưng là nước văn hiến, hoán tỉnh lòng người, huy đẳng thượng quốc. Sử gọi là văn phong Lĩnh Nam, bắt đầu từ Sĩ Vương (họ Sĩ, tên Nhiếp, hiệu là Sĩ Vương Tiên, người làng Quảng Tín, quận Thương Ngô) thì công ấy há chẳng tốt đẹp?

Đang lúc ấy, tam quốc chia thành thế chân vạc, trung nguyên như nồi canh sôi, duy nước ta một phương được nhờ yên ổn, những kẻ danh hiền, đạt nhân nghe tiếng mà đến, làm thành một nơi văn vật đô hộ lừng lẫy. Vương, phương Bắc thờ nhà Đại Hán, phương Đông đẹp lòng Cường Ngô, anh em đều làm chủ các quận, vinh diệu một thời, hàn mặc lừng lẫy. Vương hiệu là do cửa miệng của người trong châu xưng hô, chứ Vương không hề ngang nhiên dám tự tôn tự đại, như Nam Hải Úy Đà cưỡi xe hoàng ốc, cắm cờ tả đạo. Sách rằng: “Sợ mệnh trời, giữ được nước” Vương thực là đúng, còn như chuông trống, xe cộ, nghi vệ ra vào ấy chẳng có gì là lạm. Bốn mươi tám năm ở quận, hưởng thọ hơn chín mươi năm, sống có vinh danh, chết được hiển hiện, oanh oanh liệt liệt một trường giữ tròn chung thủy, ít ai được như vậy.

Nay, miếu tại sông Thanh Tương, huyện Siêu Loại, mấy triều đều có phong tặng, còn mộ ở làng Tam Á, huyện Gia Định, gò đóng bao bọc, cây cỏ um tùm, dân chúng quanh vùng có việc đến cầu đều có linh ứng. Ngoài đường thiên lý có đình thờ vọng, giữa treo biển đề Bốn chữ “Nam Giao Học Tổ”. Bạch Phương Am tiên sinh, có đặt cho làng đó một câu đối thờ ở đình rằng:

“Việt điện văn tông sau Thù, Tứ.

Nam giao học tổ trước Lạc, Mân.”

Cũng là tuyên dương công nghiệp Vương đã đem văn hóa dạy cho dân vậy. Tương truyền rằng, Vương sinh tiền dạy học trò đến vài nghìn người!

Vương Sĩ Tiên đem sách hay dạy người hiền tài, cũng là góp công, bỏ sức để gây dựng nên văn hiến nước Việt ta. Người dân nước Việt ta ngày nay cần phải biết nguồn gốc và quá trình hình thành nền văn hiến của chính dân tộc mình. Có như thế, chúng ta mới có thể cùng nhau gìn giữ và tôn vinh nền văn hiến lâu đời mà ông cha ta đã dày công gây dựng. Chỉ khi chúng ta có thể hiểu sâu sắc về nền văn hiến của dân tộc, ta mới có thể tìm được hướng đi đúng trong hiện tại, biết tránh những sai lầm, và biết làm theo những điều đúng đắn! Văn hiến của dân tộc Việt ta, đáng tự hào và đáng trân trọng!