Trong những dịp lễ Tết đầu xuân, lễ hội lớn hoặc những sự kiện lớn như khai trương hay khánh tiết, người ta thường có tiết mục biểu diễn múa lân-sư-rồng. Nhưng ít ai biết rằng, phía sau các tiết mục này là hàm nghĩa vô cùng sâu sắc. Hãy cùng anh Xuân Tâm – Trưởng Đội Lân của Đoàn Nghệ Thuật Hồng Ân tìm hiểu về những triết lý nhân sinh của hình thức nghệ thuật này.
VÌ SAO MÚA LÂN CÓ THỂ XUA ĐUỔI TÀ MA, ĐEM LẠI PHÚC LÀNH?
Chào anh Xuân Tâm, được biết anh đang là Trưởng Phòng Dự Án của công ty nội thất Thiên Ân, vậy duyên cớ nào anh lại tham gia đội Múa Lân của Đoàn Nghệ Thuật Hồng Ân?
Nói ra cũng thật là vui. Cách đây 3 năm, tôi may mắn gặp được một môn khí công Phật gia tên là Pháp Luân Đại Pháp (hay còn gọi là Pháp Luân Công). Môn khí công này yêu cầu người học không chỉ rèn luyện các bài tập, thiền định mỗi ngày mà còn yêu cầu chúng tôi chiểu theo đặc tính Chân – Thiện – Nhẫn của vũ trụ để rèn luyện tâm tính. Môn tập này không chỉ giúp tôi có được sức khỏe tốt mà hướng tôi đến sự bình an, an lạc của tâm hồn.
Đoàn Nghệ Thuật Hồng Ân chính là đoàn nghệ thuật thiện nguyện của các học viên Pháp Luân Công. Là một người tu Phật thì phải lấy Thiện làm đầu, chúng tôi được dạy phải thực hành hạnh nhẫn nhịn và cho đi. Vì vậy, ngoài công việc chính, chúng tôi dành thời gian rảnh để tập luyện và xây dựng một đoàn nghệ thuật hoàn toàn miễn phí, đem lại niềm hạnh phúc cho công chúng. Tôi tham gia Đoàn Nghệ Thuật từ đó.
Cứ hễ nhìn thấy múa Lân là người ta nghĩ ngay đến sự may mắn. Nhưng hầu như chúng ta không ai hiểu vì sao con vật trông dữ tợn như vậy lại là biểu tượng của niềm vui?
Nó xuất phát từ truyền thuyết về Phật Di Lặc hàng phục Kỳ Lân. Người dân vùng ven biển miền Nam Trung Quốc từ xa xưa có một lọai quái thú đầu to, sừng nhọn, mắt lòi, miệng to bằng cái thúng được gọi là Kỳ Lân.
Kỳ lân thường lên quấy phá dân làng, ăn hết các loài gia súc. Cho đến một hôm có một ông lão râu tóc bạc phơi xuất hiện đến bày cách cho dân làng chống lại quái thú. Mọi người dùng giấy và vải làm thành hình con quái thú rồi bôi bột màu vẽ lên để trông thật dữ tợn. Đợi đến khi quái thú xuất hiện thì đem con vật làm giả kia ra nhảy múa kèm với tiếng gõ của trống,chiêng…tức thì quái thú hoảng hốt chạy mất và không còn bén mảng đến quấy phá dân làng nữa.
Ông lão chính là Đức Phật Di lặc hóa thân hiện ra để giúp dân làng. Từ đó vào các ngày lễ, hội mọi người đem hình tượng quái thú ra nhảy múa ăn mừng, lâu dần người ta tin rằng múa lân đem lại sự may mắn, hoan hỉ nên múa lân trở thành tập tục văn hóa.
Trong văn hóa truyền thống, Lân là một con vật trong Tứ Linh: Long-Lân-Quy-Phụng. Nó gợi nhớ cho chúng ta đến Đức Phật Di Lặc, vị Phật tương lai đã được Phật Thích Ca Mâu Ni nhắc đến cách đây 2,500 năm. Người tu Phật đều tin rằng khi vị Phật Di Lặc này giáng thế tại nhân gian sẽ xua đuổi mọi điều xấu, đem lại vô lượng phúc báo cho muôn loài. Vậy nên người ta nói Múa Lân giúp xua đuổi tà ma, đem lại may mắn chính là vậy.
TRIẾT LÝ NHÂN SINH TRONG CÁC TIẾT MỤC MÚA LÂN
Được biết Đoàn có cả tiết mục Trống lưng, múa…vậy tại sao anh lại chọn Lân để tham gia?
Ồ, tôi nghĩ rằng không phải mình chọn Lân mà chính là Lân chọn mình. Ban đầu tôi chọn hình thức nghệ thuật này cũng chỉ đơn giản nghĩ rằng múa Lân thì có thể phục vụ được nhiều nơi, từ khai trương, lễ hội đến diễu hành. Nhưng dần dần mới ngộ ra được rằng mình vốn có duyên với Lân lắm.
Anh có thể chia sẻ thêm rằng mình “có duyên” như thế nào không?
Khi đội Lân của chúng tôi thành lập chỉ có 7 anh em trẻ tuổi, độ tuổi đều dưới 25. Bạn biết đó, ở độ tuổi đó, đàn ông rất dễ nóng nảy, bốc đồng. Khi vui có thể nhậu nhẹt, khi buồn có thể đánh nhau, khi yêu có thể cuồng nhiệt, khi ghét có thể gây ra hậu họa khôn lường. 7 anh em chúng tôi lúc đó dù đã chập chững bước vào con đường tu Phật, nhưng cái tính khí bốc đồng, thích chứng tỏ mình là kẻ mạnh còn nhiều lắm.
Sau này chúng tôi ngộ ra 7 anh em này y hệt như con Kỳ Lân lúc chưa được Phật Di Lặc thu phục, ngỗ nghịch ghê lắm, vậy nên giữa chúng tôi cũng thường xuyên cãi vã, mâu thuẫn, ai cũng thích chứng tỏ nên tiết mục tập hoài mà chẳng đi đến đâu. Nhưng rồi thông qua sự tập luyện, chúng tôi dần dần buông bỏ những chấp tâm và ngộ ra những triết lý nhân sinh quan trọng.
Để có một tiết mục Lân thành công thì quan trọng nhất là phối hợp và nhường nhịn nhau. Một con Lân là hai người biểu diễn, một tiết mục phải có ít nhất hai lân, còn thêm ông Địa và những người gõ trống, đánh xèng. Hễ không nhường nhịn thì tiết mục sẽ hỏng. Người giữ đầu Lân thích thể hiện quá thì người làm đuôi sẽ ngã, người đánh xèng mà không ưa người đánh trống thì y như rằng trật nhịp, 2 con Lân mà không chịu nghe theo ông Địa thì rối reng ngay. Cho nên, muốn múa được một tiết mục Lân thì phải bỏ đi cái tâm tị hiềm, khoe khoang mới được.
Tập Lân là vất vả nhất, đổ mồ hôi là đương nhiên, Còn có thể ngã, có thể đổ máu nữa thì mới có tiết mục hay. Không nhẫn nại, không kiên trì thì không thể theo đuổi được. Đoạn khó nhất chính là lúc con Lân vươn mình lên thả băng rôn hoặc lấy lộc, lúc đó, người giữ đầu sẽ phải đứng trên vai của người làm đuôi. Tôi là người giữ đầu Lân, nhưng lúc như vậy, tôi luôn cảm thấy rưng rưng và khâm phục người bạn làm đuôi cùng diễn với mình. Kẻ mạnh thực sự không phải là kẻ đạp lên người khác, mà là kẻ có thể nâng người khác trên đôi vai của mình, cho dù khán giả có lẽ lúc ấy chỉ nhìn ngắm đầu Lân thôi.
Vậy nên, nhờ tập luyện múa Lân mà tôi đã trưởng thành lên nhiều lắm. Tôi nghĩ quá trình tập luyện của chúng tôi, cũng là quá trình con Lân được Phật Di Lặc hàng phục vậy (cười).
Chà, câu chuyện của anh thật là hay quá. Được biết Đoàn Nghệ Thuật Hồng Ân đi diễn là thiện nguyện, các thành viên đều có công ăn việc làm riêng. Vậy nên thật là đáng khâm phục khi anh có thể sắp xếp thời gian và bỏ ra nhiều công sức đến vậy cho tiết mục múa Lân.
Tôi không nghĩ điều này có gì khó khăn cả. Chúng tôi đi làm ban ngày, vẫn còn ban tối và những ngày cuối tuần để tập luyện.
Thực ra tập luyện và sắp xếp thời gian không khó bằng việc vượt qua những tâm tính xấu của mình trong lúc tập. Bạn biết đó, Lân là con vật đem lại may mắn cho mọi người, bạn nghĩ sao nếu những người biểu diễn là những người không tốt? Liệu những người đó có thể xua đuổi tà mà và đem lại may mắn không?
Cho nên, chúng tôi luôn ý thức công việc thiện nguyện này là thiêng liêng, vì chúng tôi đang gieo sự may mắn và niềm vui cho mọi người. Người biểu diễn phải có tâm tính tốt đẹp, thuần tịnh thì mới xứng đáng diễn. Nhưng mà hàng phục ma tính của mình là khó khăn nhất đấy (cười). Nếu tiết mục múa Lân mà không có trái tim người biểu diễn, thì Lân sẽ không có.
Không thể tin được rằng tôi đang trò chuyện với thanh niên chỉ có 26 tuổi. Anh quả thực có những suy nghĩ sâu sắc, rất khác với những người trẻ tuổi.
Ồ, tôi cũng không phải kiểu người sâu sắc gì đâu. Đây chỉ là những điều mà Sư Phụ Lý Hồng Chí đã dạy, tôi chỉ là hiểu ra một chút và chia sẻ thôi. Tôi vẫn còn thiếu sót nhiều và mỗi ngày đều phải cố gắng.
Xin cảm ơn cuộc trò chuyện của anh. Chúc anh và Đoàn Nghệ Thuật Hồng Ân một năm mới tốt lành.