Vũ đạo cổ điển


I.THỊNH THẾ

Lão Tử giảng: “Nhân pháp địa, địa pháp thiên, thiên pháp đạo, đạo pháp tự nhiên”. Ý tứ chính là: “Người thuận theo đất, đất thuận theo trời, trời thuận theo đạo, đạo thuận theo tự nhiên”. Khi con người sống hòa thuận với thiên nhiên, tu tâm tích đức thì khi đó đạo đức nhân loại sẽ thăng hoa, xã hội cũng từ đó mà mãi thái bình thịnh thế. Thời kỳ huy hoàng thịnh thế khai mở, khắp đất trời cùng hân hoan đón mừng. Những cô gái duyên dáng, diễm lệ, uyển chuyển trong từng điệu múa trên đại điện. Các tướng lĩnh dũng cảm, can trường biểu diễn võ thuật. Cùng các học giả, tướng lĩnh, đại sứ từ khắp nơi trên thế giới tụ họp trong cung điện trước Hoàng đế. Họ cùng nhau chào đón và kỷ niệm Thời đại vinh quang của Đạo đức nhân loại có thể kéo dài mãi mãi!

Văn hóa truyền thống Trung Quốc được hình thành và phát triển qua năm nghìn năm lịch sử. Trải qua tiến trình lịch sử dài đằng đẵng ấy, văn hóa truyền thống mang trong nó những nội hàm, ý nghĩa vô cùng sâu sắc, phong phú với những thành tựu vang dội. Nền văn hóa truyền thống này được truyền bá bởi các vị Thần, lấy việc tu luyện bản thân và những giá trị đức hạnh làm gốc; tạo nên một mối liên hệ tự nhiên giữa con người và thiên thượng. Nhân loại luôn khao khát chạm tới sự lương thiện và từ bi thẳm sâu trong tâm hồn mỗi người, để một lần nữa sự chính nghĩa có thể quay trở lại vùng đất Trung Quốc thiêng liêng, đem lại ánh sáng huy hoàng thịnh thế!

II.TIÊN HOA

Chuyện xưa kể rằng, khi những giọt nước mắt từ bi của vị Thần Tối Cao rơi xuống một ao sen trên Thiên Giới, mang theo lời ước nguyện của Chư Thần, với hy vọng và mong muốn con người thế gian sớm tìm về giá trị Chân-Thiện-Nhẫn ở thẳm sâu trong tâm hồn. Những đóa hoa sen rơi xuống thế gian, khai nở khắp nơi bất chấp giá lạnh và sương tuyết…

Kể từ đó, vạn hoa sen khai nở vĩnh viễn.

III.KIM LIÊN ĐÓA ĐÓA KHAI

Từ nghìn đời nay, hoa sen là hình ảnh rất đỗi quen thuộc đối với con người. Hoa sen vừa mang vẻ đẹp dịu dàng, mà thanh khiết, lại vừa ẩn chứa ý nghĩa nhân sinh sâu sắc của đời người. Hoa sen sinh ra từ bùn đất, nhưng lại luôn hướng về phía mặt trời mà vươn lên, không chút vấy bẩn bùn lầy; cũng như con người được sinh ra và tồn tại giữa cuộc đời với biết bao cám dỗ, với đủ mọi sân si, tham lam, dục vọng nhưng vẫn hướng đến ánh sáng của sự thiện lương, của những điều tốt đẹp mà tiếp tục trưởng thành, không chịu nhận sự ô nhiễm, lấm lem của dòng đời đầy cám dỗ.

Trong văn hóa truyền thống xưa, hoa sen còn là biểu tượng của đức hạnh, sự từ bi, trí huệ và thanh cao của tâm hồn trong đời sống đạo đức với lòng yêu thương, khoan dung và cao thượng.

BÊN BỜ NGUYỆT NHA

Hồ trăng nước đầy vẹn nghìn năm

Bể dâu thoáng chốc đã cạn dòng

Lòng người dâu bể vùi Thiện niệm

Chẳng hay phía trước biến cuồng phong.

Trong dòng sông dài lịch sử, nền văn hóa Thần truyền đã để lại cho đời một kho tàng đồ sộ về những Điển tích, Thần tích giúp giáo hóa cho con người tương lai, và câu chuyện ‘Nguồn gốc xuất hiện của Hồ trăng lưỡi liềm – Nguyệt Nha Tuyền” là một trong những điển tích như vậy. Chuyện kể rằng:

Vùng Đôn Hoàng, tỉnh Cam Túc vốn là nơi đất đai vô cùng màu mỡ. Tại đây từng có 2 bộ lạc sống với nhau rất hòa thuận, nhưng sau đó lại liên tục đánh giết lẫn nhau. Vào lúc ấy, loài người khá man rợ do tiêu chuẩn đạo đức thấp kém, bởi vậy, nếu họ giết chết kẻ thù thì họ sẽ ăn thịt luôn người đó.

Để giáo hóa nơi đây, một vị đạo sĩ với công năng mạnh mẽ đã hạ xuống từ Thiên thượng. Vị đạo sĩ không quản khó nhọc, cố gắng dạy con người cách trân quý mạng sống và trở nên văn minh hơn.

Không may thay, nhiều người không muốn nghe theo lời dạy của ông và còn muốn hãm hại ông. Sau hơn hai năm, vị đạo sĩ nhận ra rằng người dân trong hai bộ lạc này thực sự đã mất đi thiện niệm.

Vào một buổi chiều nọ, vị đạo sĩ đã nghiêm túc cảnh báo dân chúng: “Một điều rất nghiêm trọng sắp xảy ra tại nơi đây, và những người man rợ phải bị trừng phạt vì hành động của mình. Cả vùng này sẽ biến thành một sa mạc lớn”.

Hầu hết họ đều làm ngơ trước lời này, và thậm chí còn ném đá vào ông. Chỉ một vài đứa trẻ biết rằng ông là một vị Thần đến từ Thiên thượng, nên chúng đã quỳ xuống và nói rằng họ sẽ nghe theo lời chỉ dẫn của ông.

Vị đạo sĩ mỉm cười và nói với chúng: “Ta sẽ đưa các con tới một khu vực xa xôi vào tối nay. Bất kể điều gì xảy ra, chỉ nằm ở đó và nghĩ về ta, rồi mọi thứ sẽ tốt đẹp thôi. Hãy nhớ giữ mồm giữ miệng, nếu các con tiết lộ thiên cơ, thì sẽ chết như những người còn lại trong bộ lạc”.

Đêm hôm đó, một trận bão cát lớn nổi lên và cả vùng nhanh chóng bị ngập trong biển cát. Những con người man rợ kêu gào thảm thiết, cuối cùng vẫn bị chôn vùi dưới lớp cát sâu. Khi mọi thứ qua đi, nơi đây chỉ còn lại sa mạc bất tận như thể chưa từng có chuyện gì xảy ra.

Vị đạo sĩ trông thấy cảnh này, ông chỉ biết bật khóc. Ông có thể làm gì đây? Đó là sự lựa chọn của họ, vì họ đã không trân quý chính bản thân mình!

Khi mặt trời mọc vào sáng hôm sau, những đứa trẻ liền thức giấc. Chúng vô cùng kinh ngạc khi trông thấy sa mạc. Sau khi tập hợp lại, chúng bắt đầu khóc. Vị đạo sĩ hỏi tại sao chúng khóc. Chúng nói rằng chúng khóc thương những người đã quá man rợ và không nghe theo lời ông, cuối cùng phải chịu kết cục bi thảm, bị chôn vùi trong cát.

Vị đạo sĩ cảm động trước hiểu biết của chúng và tin rằng chúng có thể dạy dỗ được. Có lẽ Thiên thượng muốn khuyến khích những đứa trẻ này, nên hễ nước mắt chúng rơi xuống đâu thì ở đó mọc lên đám cỏ xanh. Dù gió có mạnh thế nào, đám cỏ xanh vẫn đứng vững.

Từ đó, những đứa trẻ bắt đầu thiền định cùng vị đạo sĩ. Sau một thời gian ngắn, vị đạo sĩ nhận thấy những đứa trẻ cần có thức ăn. Nhưng không may là sa mạc quá rộng, không có nước và cũng không có gì để ăn. Vị đạo sĩ định sẽ dùng thần thông tạo ra thức ăn, nhưng Thiên thượng cấm ông không được làm điều đó.

Một số vị Thần trên Thiên thượng nói: “Sa mạc xuất hiện là do sự suy đồi về tiêu chuẩn đạo đức của con người. Nếu con người muốn tu luyện tại đây, họ phải kiên định và có niềm tin mạnh mẽ vào ông”.

Vị đạo sĩ hiểu rằng những đứa trẻ cần bày tỏ lòng biết ơn với Thiên thượng bằng chính hành động của chúng! Vậy nên, đạo sĩ nói với chúng: “Ta sẽ rời đi trong một thời gian ngắn để giải quyết một số vấn đề cá nhân, các con ở lại phải tu luyện tinh tấn, đừng buông lơi!”. Và rồi ông biến mất.

Lúc đầu, những đứa trẻ rất kiên định. Nhưng sau đó, một số bắt đầu đói và đi tìm thức ăn. Khi chúng bị lạc trên sa mạc, chúng bị chôn vùi trong cát. Một số thì thích vui chơi, quên mất tu luyện và bị chết trong sa mạc. Chỉ còn một đứa trẻ, luôn nghĩ về tu luyện, có niềm tin mạnh mẽ vào sư phụ của mình.

Một ngày, cậu bé thấy rất đói và khát, cậu cảm giác gió và cát đang chuẩn bị chôn vùi mình. Nhưng ngay cả khi mắt và mũi bị dính đầy cát, cậu vẫn ngồi đả tọa tại đó. Cậu chỉ nghĩ về một câu của sư phụ: “Tu luyện tinh tấn và đừng buông lơi!”.

Dần dần, môi cậu trở nên khô và nứt nẻ, cơ thể cậu gần như mất hết nước. Cậu nghĩ: “Bất kể xảy ra chuyện gì, mình cũng phải tu luyện, thậm chí có phải mất đi sinh mạng này. Điều sư phụ nói nhất định là đúng, mình nên vui mừng khi đã hiểu được những nguyên lý đó trong đời và không nên đòi hỏi gì khác”.

Trong thời khắc quan trọng giữa sống và chết, đứa trẻ này đều không nghĩ gì đến được mất, cho thấy một niềm tin kiên định và mạnh mẽ.

Cùng lúc ấy, một nữ thần áo trắng khổng lồ xuất hiện trên bầu trời, bà chứng kiến cảnh này từ đầu đến cuối nên đã vô cùng cảm động. Bà liền vẫy tay một cái, một con suối hình lưỡi liềm với dòng nước trong mát xuất hiện trước cậu bé. Nữ thần vẫy tay vài lần nữa, thì cây xanh, ao cá với vịt ngan bơi lội xuất hiện.

Lúc đó, vị đạo sĩ đã trở lại, ông cười với đứa trẻ và nói: “Con trai, con đã vượt qua nhiều khảo nghiệm. Con đã đắc chính quả và cũng đã để lại một tấm gương tốt cho con người tương lai. Mọi thứ sẽ còn tiếp tục tại đây, và dòng suối lưỡi liềm này sẽ không bao giờ cạn, trừ khi tiêu chuẩn đạo đức của con người trượt dốc quá nhiều, thì nó sẽ dần dần cạn đi. Dòng suối này là một lời nhắc nhở cho con người.

Giờ con sẽ trở lại Thiên thượng và ở đó trong một thời gian, rồi sau đó con sẽ chuyển sinh tại nhiều nơi khác nhau trong những thời điểm khác nhau. Vì con đã chứng kiến điều này, con nên viết chúng ra khi Đại Pháp được hồng truyền nơi nhân gian, và khi thế lực tà ác khảo nghiệm Đại Pháp”.

Rất nhiều truyền thuyết xưa được lưu truyền lại, mục đích là để cảnh báo thế nhân: Khi con người không còn xứng đáng là người nữa, Thần sẽ thực sự hủy diệt họ! Ngoài ra, tu luyện kiên định có thể thực sự làm lay chuyển trời đất!

HIỆP KHÁCH HÀNH

Hoàn thành sứ mệnh từ thiên thượng.

Hiệp sĩ truyền bá nguyên tắc chính trực cho toàn thế giới.

Không sợ nguy hiểm.

Hiệp sĩ giữ con đường ngay chính, kết nối trời và đất.

Thể hiện rõ lòng lo cho dân cho nước.

Hiệp cốt nhu tình – phong thái của những văn nhân.

Từ thời cổ đại, con người biết đến hiệp khách như những người tuân theo Thiên mệnh đến thế gian, không sợ gian khó, ý chí kiên định, thông thiên thông địa để hồng dương chính đạo chốn nhân gian. Họ là những người hiệp sĩ truyền bá các nguyên tắc chính trực đến cho nhân loại, không sợ nguy hiểm, gian khó. Giữa chốn nhân gian giữ lòng ngay chính, một lòng lo cho giang sơn, xã tắc. Những người hiệp khách được người đời ví như những thanh gươm sáng trong màn đêm u tịch, trong đêm tối vẫn luôn bảo vệ sự bình yên cho nhân loại. 

IV. TIÊN TỬ THANH NHÃ

Từ thủa hồng hoang, con người luôn tin rằng Bàn Cổ là vị thần tạo ra Trời và Đất, còn Nữ Oa là vị thần tạo ra con người. Sau khi Thiên, Địa, Nhân tạo xong, Chư Thần trên Thiên Thượng đã lần lượt xuống thế gian để truyền Pháp độ nhân, lưu lại cho nhân loại những nền văn hóa rực rỡ không thể xóa nhòa.

Khi thời kỳ thịnh thế thái bình được khai mở, nơi nơi đều treo đèn kết hoa để đón chào.

Hãy ngắm nhìn những nàng tiên trên thiên đình nhảy múa duyên dáng với sự sang trọng, ân sủng, tinh khiết và vui tươi.

Điệu múa này chính là để tạ ơn mọi thứ được ban cho nhân loại!

VI. HOA MAI NỞ

Trong văn hóa truyền thống, hoa mai là biểu tượng cho bậc tiết tháo với cốt cách thanh cao, tinh thần cứng cỏi, ý chí kiên cường. Cây mai có thân mảnh dẻ, cánh hoa mỏng manh, hương thơm dịu dàng, thanh khiết. Người xưa lấy cái khí phách của hoa mai mà ví như người quân tử hào khí ngất trời bởi giữa trời băng đất tuyết, gió táp mưa sa hoa mai vẫn ngạo nghễ nở rộ để báo hiệu mùa xuân về. Loài hoa này còn là biểu tượng cho sự hòa hợp giữa đức tính nhẫn nại và lòng dũng cảm của bậc quân tử; là biểu thị sinh động cho giá trị của sự phóng khoáng, ngạo nghễ xem thường khó khăn. Giữa mùa đông, trước khi tuyết tan và chim nhạn quay về, cành hoa mai khẳng khiu, trụi lá, chống chọi giữa mùa đông khắc nghiệt. Để rồi đến đúng thời điểm, hoa nở rộ như một lời nhắn nhủ rằng: “Mùa xuân sẽ đến!”.V

VII. THIÊN THẦN Ở KHẮP NƠI, MẸ ƠI!

Tâm hồn trẻ thơ mang những giá trị trong sáng, thánh khiết, thiện lương nhất mà bạn có thể tìm thấy trên cuộc đời này. Với mỗi đứa trẻ, người mẹ thật sự là Thiên thần của bé và bé con lại chính là Thiên thần của mẹ; và cũng còn có rất nhiều, rất nhiều những Thiên thần khác nữa mà ta chỉ có thể cảm nhận được khi tim ta đủ Thiện niệm. 

Ngay từ khi Thiên thần nhỏ của mẹ chào đời, mẹ đã luôn mong muốn giữ vẹn nguyên tâm hồn trong sáng và đầy ắp Thiện niệm ấy:

“Mẹ dạy con hãy nhớ làm người tốt

Chân thật không nói dối, bao người mến

Yêu thương và bao dung mọi người bên con

Nhẫn nại khi con gặp điều khó khăn”.