Đàn tỳ bà tái hiện hoàn mỹ câu chuyện “Hán Sở tranh hùng”

Trong các loại nhạc cụ dân tộc Trung Hoa, đàn tỳ bà có thể xem là không một loại nhạc cụ nào sánh kịp. Nhạc khúc “Thập Diện Mai Phục” diễn tấu bằng đàn tỳ bà thực sự đã tái hiện được trận “Hán Sở tranh hùng” giữa Lưu Bang và Hạng Vũ thời đó. Thi nhân Vương Hân đời nhà Đường đã viết bài thơ “Lương Châu Từ” gợi liên tưởng đến đàn tỳ bà và chiến trường như sau:

“Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi, dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi.

Túy ngọa sa trường quân mạc tiêu, cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi?”

Đàn tỳ bà, vua của các nhạc cụ dân gian

Đàn tỳ bà vào thời kì nhà Đường hưng thịnh cũng được đưa lên đỉnh cao của âm nhạc, trở thành vị vua thực sự của các loại nhạc cụ.

Khoảng vào triều Tần bắt đầu lưu truyền loại nhạc cụ thân hình tròn có tay cầm dài. Bởi vì khi tấu đàn thì chủ yếu dùng hai loại phương pháp: hướng về trước gảy ra gọi là 批 (phê), hướng về sau móc lên gọi là 把 (bả); vậy nên người ta gọi nó là “phê bả”. Về sau, vì để thống nhất việc viết sách với các nhạc cụ khác như đàn cầm, đàn sắt … nên gọi thành 琵琶 (tỳ bà). Chữ 珏 (giác) trong hai chữ 琵琶 (tỳ bà) mang ý nghĩa là “hai viên ngọc chạm vào nhau sẽ phát ra âm thanh êm tai”.

Đến thời Nam Bắc triều, từ Tây Vực truyền vào một loại nhạc cụ có hình dạng quả lê, cổ cong, có bốn dây đàn. Có người lấy nó kết hợp với đàn tỳ bà của Trung Quốc để chế tạo ra một dạng đàn tỳ bà mới. Về phương pháp diễn tấu có thay đổi từ cách ôm đàn ngang thành dựng đứng lên và dùng năm ngón tay phải gảy đàn. Trải qua nhiều lần cải tiến của các nghệ sĩ mới hình thành nên hai loại đàn tỳ bà như hiện nay là: 4 tương 13 phẩm và 6 tương 24 phẩm.

Những người du mục thời đó vừa cưỡi ngữa vừa gảy đàn tỳ bà nên mới có câu là “mã thượng sở cổ dã” (gảy đàn trên lưng ngựa).

“Kĩ Lục” của Vương Tăng Kiền thời Nam triều có ghi chép:

“Ngụy Văn Đức hoàng hậu rất giỏi chơi đàn tỳ bà. Minh Đế sau khi thưởng thức thì mê mẩn âm nhạc, Dương Phụ ngồi kế bên hỏi hoàng đế: ‘Thái hậu là tổ mẫu của bệ hạ, quân lễ há chẳng phải không ngay chính sao?’ Minh Đế xấu hổ và rút lui về sau. Minh Đế nói với Dương Phụ rằng: ‘Ta biết khanh kính tiết nên mới vì ta mà tâm tư bất bình, những gì khanh nói lúc này ý là không được mơ hồ mà cần phải nhìn người?’ Sau những lời nói này, giai điệu âm nhạc càng mỹ diệu.”       

Có thể thấy rằng vào thời kì Ngụy Tấn, đàn tỳ bà đã chính thức du nhập vào trong cung đình.

Thi nhân Bạch Cư Dị từng miêu tả về đàn tỳ bà trong bài “Tỳ Bà Hành”:

“Đại huyền tào tào như cấp vũ

Tiểu huyền thiết thiết như tư ngữ

Tào tào thiết thiết thác tạp đàn

Đại châu tiểu châu lạc ngọc bàn”

(Dịch nghĩa:

Dây lớn ào ào như mưa rào

Dây nhỏ nỉ non như tỉ tê chuyện riêng

Tiếng rào rào lẫn tiếng nỉ non

Nghe như hạt châu lớn hạt châu nhỏ rắc vào trong mân ngọc)

Nhạc khúc đàn tỳ bà lại cũng có phân biệt võ khúc và văn khúc.

Võ khúc xem trọng dùng lực và kĩ xảo diễn tấu ở bàn tay phải.Phong cách diễn tấu tráng lệ khẳng khái, lộng lẫy hào phóng. Nhạc khúc đại biểu là “Thập Diện Mai Phục”, “Bá Vương Tá Giáp” v.v

Văn khúc xem trọng biểu đạt ở kĩ xảo bàn tay trái. Phong cách tinh tế, nhẹ nhàng, ưu nhã và trữ tình. Nhạc khúc đại biểu là “Tịch Dương Tiêu Cổ”, “Chiêu Quân Xuất Tái”, “Hán Cung Thu Nguyệt” v.v

Đàn tỳ bà có năng lực biểu đạt đặc biệt nên được dân tộc Hoa Hạ dành cho tình cảm sâu sắc. Đàn tỳ bà có thể khắc họa khung cảnh một trận chiến như khúc “Thập Diện Mai Phục”, cũng có thể thể hiện khung cảnh sinh cơ bừng bừng của giới tự nhiên như khúc “Dương Xuân Bạch Tuyết”, lại có thể miêu tả tâm tư tình cảm của con người như khúc “Tái Thượng Khúc” v.v Đàn tỳ bà vừa có thể độc tấu và gảy đệm, tấu cùng đàn tỳ bà khác, hợp tấu với các loại nhạc cụ dân tộc.   

Nếu không có đàn tỳ bà, chúng ta sẽ dùng cái gì để thể hiện trận “Hán Sở tranh hùng” năm xưa. Nếu không có đàn tỳ bà, Bạch Cư Dị làm sao để lưu lại bài thơ lưu danh thiên cổ “Tỳ Bà Hành”. Nếu không có đàn tỳ bà có lẽ lịch sử dân tộc Trung Hoa sẽ mất đi màu sắc và buồn tẻ.

Tác giả: Đường Tiểu Sơn

Dịch: Tuyết Liên

Dịch từ: http://big5.zhengjian.org/node/153324