Giới thiệu
“Sơn Hải Kinh” là một cuốn kỳ thư có phong cách đặc biệt, cùng với “Kinh Dịch” và “Hoàng Đế nội kinh” được gọi chung là “Tam huyền” (tức ba cuốn sách huyền bí nhất Trung Quốc cổ đại).
Bộ sách này được chia thành 2 phần: 5 quyển đầu được gọi là Sơn Kinh, chủ yếu ghi chép về núi non và sản vật các nơi cùng với nghi thức cúng tế thần thánh; 13 cuốn sau thuộc về phần Hải Kinh, lại được chia thành các phần nhỏ hơn là Hải Nội Kinh (1 quyển), Hải Nội Kinh (8 quyển) và Đại Hoang Kinh (4 quyển), tổng cộng 18 quyển với chỉ hơn ba vạn chữ nhưng nội dung lại bao la vạn tượng, gồm đủ cả trời Nam biển Bắc, trải khắp các phương diện như thiên văn, địa lý, thần thoại, linh thú, khoáng vật, vu thuật, tôn giáo, cổ sử, y thuật, tập tục dân tộc,… ở thời kỳ cổ đại. Bộ sách này được lưu truyền qua nhiều thời kỳ, khẩu truyền cũng có, hư hư thực thực, mang nhiều màu sắc thần thoại.
Xét về vị trí địa lý, Trung Quốc vốn chỉ có biển ở phía Đông và phía Nam. Tuy nhiên, trong thế giới của “Sơn hải kinh” bốn phía đều có biển, lần lượt là Đông Hải, Tây Hải, Nam Hải, Bắc Hải. Tây Hải và Bắc Hải đã từng tồn tại trên thực tế hay chỉ đơn giản là do người xưa tưởng tượng ra?
Trong “Sơn hải kinh” còn liệt kê nhiều sông ngòi. Những dòng sông ấy có khi chảy về phía Đông, có khi chảy về phía Tây, có khi chảy về phía Nam, lại cũng có khi chảy về phía Bắc. Trên thực tế, sông ngòi ở Trung Quốc thường chảy từ Tây sang Đông. Ở chiều ngược lại (từ Đông sang Tây), số lượng rất ít. Tuy vậy, trong “Sơn hải kinh” lại có tới hơn ba mươi dòng sông chảy về hướng Tây.
Lại nói thêm về các ngọn núi trong “Sơn hải kinh” đôi lúc, cùng một ngọn núi mà ở các phần khác nhau lại có vị trí khác nhau. Đây là sai sót từ phía tác giả hay còn có ẩn ý gì ở bên trong?
Ví như núi Côn Luân, ở các quyển khác nhau của “Sơn hải kinh” được nhắc tới hơn 10 lần, có lúc thì ở phía tây, lúc lại ở phía Nam hay phía Bắc, có lúc còn ở trong vùng Đại Hoang. Nếu đó chỉ là những ngọn núi cùng tên thì còn có thể hiểu được. Trong trường hợp đó là cùng một ngọn núi thì việc miêu tả đầy mâu thuẫn ấy có ẩn chứa bí mật gì?
Tuy vậy, trong sách cũng tồn tại những nội dung có thể chứng thực được và có mang tính khoa học. Dẫu sao đối với các nhà nghiên cứu sử học Trung Quốc, đây vẫn là một bộ sách uyên thâm và đầy bí ẩn.
Văn chữ của “Sơn Hải Kinh” khá giản lược, khó hiểu, nội dung tản mạn, không thành hệ thống. Những người nghiên cứu văn hóa và lịch sử Trung Quốc như Mã Xương Nghi đã dành vô số công sức tìm tòi, sưu tập đến 10 loại cổ bản “Sơn Hải Kinh” thời Minh – Thanh, thu thập hơn 2000 bức vẽ, tinh tuyển lại còn 1000 bức, đem vào nghiên cứu, phục tác cuối cùng thành tựu được 2 cuốn sách là “Sơn Hải Kinh” và “Sơn Hải Kinh đồ” (Hình vẽ mô tả của Sơn Hải Kinh).
Nay Hồng Ân mạn phép xin được tổng hợp và chỉnh lý lại đôi chút để chúng ta cùng hiểu rõ thêm lịch sử thời kỳ hồng hoang. Có gì sai sót mong bạn đọc lượng thứ và chỉ ra cho chúng tôi. Cuối cùng nghethuathongan.com xin chúc các bạn đọc truyện vui vẻ!
Nguồn: Tổng hợp trên Internet
Nam Sơn Kinh – Quái điểu phần 1
(Trích nguồn: https://niemlam.wordpress.com/)
Quán Quán
Đi về phía đông núi Cơ Sơn 基山 300 dặm, có ngọn núi Thanh Khâu 青丘, phía nam ngọn núi này có nhiều ngọc thạch, phía bắc có nhiều thanh hoạch. Trong núi có loài quái thú, hình dạng như là con cáo, có chín cái đuôi, tiếng kêu như tiếng khóc của trẻ sơ sinh, thường ăn thịt người; nếu như ai ăn được thịt nó, thì có thể không bị nhiễm phải khí yêu tà. Trong núi có loài chim hình dạng như con chim trĩ, âm thanh phát ra giống như tiếng người đang mắng chửi, tên nó gọi là Quán Quán 灌灌, đeo lông vũ của nó ở trên người thì có thể không bị mê hoặc.
Chú thích:
Thanh hoạch 青雘: Một loại khoáng sản màu xanh, thời cổ thường dùng làm phẩm màu.
Chu
Ngọn núi đầu tiên của hệ thống dãy núi thứ hai phía nam gọi là Cử Sơn 柜山, kế bên phía tây của ngọn núi này là nước Lưu Hoàng Tân Thị 流黃辛氏, phía bắc có núi Chư Tì 诸毗, phía đông có núi Trường Hữu 长右. Sông Anh Hà 英河 bắt nguồn từ núi Cử Sơn, hướng tây nam chảy về sông Xích Hà 赤河, trong sông có rất nhiều ngọc thạch màu trắng, và có rất nhiều cát mịn màu đỏ. Trên núi Cử Sơn có loài dã thú, hình dáng giống heo con, móng vuốt như gà, tiếng kêu giống chó, tên gọi của loài dã thú này là Ly Lực 狸力, chúng xuất hiện ở huyện nào, thì huyện lị nơi đó đều sẽ có công trình kiến trúc rất lớn. Trên núi còn có loài chim, dáng vẻ giống diều hâu, nhưng lại có tay người, tiếng kêu giống chim cút, tên nó là Chu 鴸, cái tên này cũng là bởi vì tiếng kêu của nó mà có, loài chim này xuất hiện ở huyện nào, thì nhân tài của huyện đó sẽ bị lưu vong.
Chú thích: Ngọc thạch là một loại đá quý màu xanh thường dùng để làm vật trang sức hoặc trang trí. (Nguồn: Wikipedia)
Ngung
Lại đi về phía đông núi Kê Sơn 鸡山 400 dặm, có ngọn núi Lệnh Khâu 令丘, trên núi không có cây cỏ, thường hay phun lửa. Phía nam núi có một sơn cốc rất sâu, gọi Trung Cốc 中谷, gió đông bắc chính là thổi ra từ đây. Trên núi có loài chim, dáng vẻ giống con cú mèo, nhưng lại có mặt người, bốn con mắt, hơn nữa còn có lỗ tai, tên nó là Ngung 顒, tiếng kêu cũng như tên của nó, loài chim này mà xuất hiện, thì thiên hạ sẽ xảy ra hạn hán lớn.
Đồng Cừ
Lại đi về phía tây núi Tiền Lai 钱来 45 dặm, có ngọn núi Tùng Quả 松果, sông Hoạch Hà 濩河 bắt nguồn từ ngọn núi này, hướng bắc chảy về sông Vị Hà 渭河, ven bờ sông Vị Hà có trữ lượng đồng rất phong phú. Trên núi Tùng Quả có loài chim, tên là Đồng Cừ 䳋渠, hình dạng giống chim trĩ, thân màu đen, móng vuốt màu đỏ, có thể dùng để trị bỏng.
Xích Tế
Lại đi về phía tây núi Thái Hoa 太华 80 dặm, có ngọn núi Tiểu Hoa 小华, trên núi mọc rất nhiều bụi gai và cẩu kỷ, dã thú trong núi phần lớn là tạc ngưu 㸲牛, phía bắc núi có nhiều tảng đá dùng làm khánh, phía nam có nhiều ngọc đồ phù. Trên núi có rất nhiều chim Xích Tế 赤鷩, nuôi dưỡng nó ở bên người có thể tránh né hỏa hoạn. Trên núi còn có loại cỏ thảo lệ, hình dạng nó giống ô cửu thảo, thế nhưng sinh trưởng ở trên tảng đá, quấn quanh lấy cây sinh trưởng, ăn nó có thể trị bệnh đau tim.
Mân
Lại đi về phía tây núi Tiểu Hoa 小华 80 dặm, có ngọn núi Phù Ngu 符禺, phía nam núi có nhiều quặng đồng, phía bắc có nhiều quặng sắt. Trên núi có loài cây tên văn hành 文茎, quả giống quả táo đỏ, có thể chữa bệnh tai điếc. Trên núi có rất nhiều cỏ, hình dáng giống rau quỳ, nhưng hoa lại có màu đỏ, quả màu vàng có hình dáng rất giống lưỡi trẻ sơ sinh, ai ăn loại quả này thì sẽ không bị mê hoặc. Sông Phù Ngu 符禺 bắt nguồn từ ngọn núi này, rồi chảy về hướng bắc sông Vị Hà 渭河. Dã thú trong núi phần lớn là Thông Lung 葱聋, hình dáng giống con dê, trên cổ có lông bờm màu đỏ. Loài chim trong núi phần lớn là Mân Điểu 鴖鸟, hình dạng giống chim phỉ thuý, nhưng miệng có màu đỏ, nuôi dưỡng nó ở bên người có thể phòng ngừa hỏa hoạn.