Triệu Việt Vương – Lý Nam Đế (1)

Có lẽ, mỗi người chúng ta đều tự hào rằng dân tộc Việt là dân tộc hào hùng. Bởi, trong lịch sử của dân tộc ta đã ghi lại rất nhiều câu chuyện của biết bao người hiền, với khí chất thanh cao, tinh thần hào kiệt, kỳ tài xuất chúng lại một lòng lo cho giang sơn xã tắc. Trong “Việt Điện U Linh tập” có ghi chép lại chuyện về Triệu Việt Vương – Lý Nam Đế, cùng với sự giúp đỡ của rồng vàng.


Việt Vương họ Triệu, tên là Quang Phục. Nam Đế họ Lý, tên là Phật Tử. Cả hai người đều là Bộ tướng của Nam Đế nhà tiền Lý tên là Lý Bôn.

Thời Vũ Đế nhà Lương, ở huyện Thái Bình Giao Châu ta, có Lý Bôn gia tư hào hữu, lại có kỳ tài xuất chúng, thường có khí độ giống như Tiêu Hà, Tào Tham, lại có Tinh Thiều giàu về từ chương, ưu về văn học, cùng nhau qua nước Lương cầu xin làm quan. Thượng thư Bộ Lại nhà Lương tên là Thái Tôn Tinh Thiều phong độ khả quan mới bổ làm môn lang Quảng Dương. Thiều xấu hổ, cùng với Lý Bôn trở về cố quận. Nhân Thứ sử Vũ Lâm Hầu là Tiêu Tư, hành chính khắc bạo rất thất nhân tâm nên dân chúng âm thầm mưu phản, Lý Bôn năm ấy đang làm Giám sát Cửu Đức liền liên kết hào kiệt chín huyện; với khí giới tinh nhuệ, họ toàn là Việt binh đến đánh đuổi Thứ sử Tiêu Tư chạy về Quảng Châu. Bôn vào chiếm cứ châu thành, vừa gặp Lâm Ấp đến cướp Nhật Nam; Bôn sai tướng Phạm Tu đem binh đến đánh ở Cửu Đức đại thắng, quân giặc tan tác. Lý Bôn bèn tự xưng là Việt Vương, đặt ra bách quan, đổi niên hiệu là Thiên Đức, quốc hiệu là Vạn Xuân.

Lương Đế nghe được tin, phong quan Thứ sử Quảng Châu Trần Bá Tiên sang làm Thứ sử ở Giao Châu. Bá Tiên nghe Lý Bôn xưng vương thì đem binh đến đánh, đánh nhau bảy năm. Đến năm Đại Tống thứ hai, Lý Bôn mất, cộng được tám năm. Triệu Quang Phục vốn là người Chu Diên, làm Tả tướng quân của Lý Bôn. Quận Chu Diên ở phía Bắc có một chiếc đầm lớn, sâu rộng không biết ước độ bao nhiêu dặm. 

Lý Bôn mất rồi, Quang Phục thâu thập tán tốt được hai vạn người, giữ hiệu lệnh chỉ huy tiềm ẩn trong đầm, đêm thời ra cướp doanh trại, ngày thời tiềm phục trong đầm; Bá Tiên sai người do thám, biết là Quang Phục, nhưng đem quân đến đánh cũng không được. Chúng đều suy tôn Quang Phục làm Dạ Trạch Vương. Quang Phục ở trong đầm được một năm, một đêm kia thấy một con rồng vàng cởi móng đem cho mà bảo rằng:

  • “Lấy cái móng này cắm trên đầu mâu, hễ giặc thấy là tự nhiên úy phục”. 

Gặp lúc Kiến Khương có việc triệu Bá Tiên về Bắc, Bá Tiên lưu tướng là Dương Sằn ở lại giữ trấn, đại diện cho ông mà hành sự.

Quang Phục sau khi đã lấy được móng thần thì mưu lược kỳ dị, đánh đâu thắng đấy, lại nhân Bá Tiên về Bắc mới đem quân ra đánh Sằn; Sằn cự chiến, vừa nhìn thấy đầu mâu một cái đã thua trận rồi chết. Quang Phục vào chiếm thành Long Biên quản trị cả hai xứ Lộc Loa và Vũ Ninh, tự hiệu là Nam Việt Quốc Vương.

Trong các câu chuyện lịch sử được ghi chép lại, chúng ta đều có thể thấy rằng những bậc Đế vương thuận theo ý trời, một lòng vì dân, vì nước luôn được Thần linh giúp đỡ; với mong muốn gây dựng một triều đại vững bền, xã hội thái bình thịnh trị. Sự an bài, giúp đỡ của Thần linh đối với các nhân vật có thật trong lịch sử khó có thể phủ nhận được. Người xưa tin vào Thần, tin vào ý Trời, làm việc gì cũng đều cần thuận Thiên ý.