Âm nhạc cổ điển Trung Quốc – Thập Đại Danh Khúc

Có rất nhiều ca khúc được sáng tác trong suốt chiều dài lịch sử Trung Quốc. Trong đó, những nhạc khúc nổi tiếng nhất được gọi là “Thập đại danh khúc của âm nhạc cổ điển Trung Quốc”.

1 .Cao Sơn Lưu Thủy

Vào thời đại Xuân Thu, có một người chơi đàn Cầm trứ danh tên là Bá Nha. Và người bạn thân của anh tên là Chung Tử Kì, là người hiểu rõ khúc nhạc “Cao Sơn Lưu Thủy” mà Bá Nha diễn tấu. Từ âm thanh phát ra từ cây đàn Cầm mà Bá Nha gảy, Tử Kì có thể sẻ chia về thế giới tinh thần trong nội tâm của Bá Nha. Cứ như thế, hai người trở thành bạn thân. Hai chữ “tri âm” cũng từ câu chuyện này mà ra. 

Về sau “Cao Sơn Lưu Thủy” đã trở thành nhạc khúc đại biểu cho Cổ Cầm. Ngoài ra, “Cao Sơn Lưu Thủy” cũng được dùng như câu tục ngữ mang ý nghĩa là “nghệ thuật cao quý duy chỉ có vài người mới có thể hiểu thấu”.  

Năm 1977, khúc đoạn “Lưu Thủy (Flowing Streams)” diễn tấu bởi nhà diễn tấu Cổ Cầm trứ danh Quản Bình Hồ đã được thu âm lại bằng đĩa vàng nguyên chất và được gửi vào vũ trụ bởi tàu du hành Voyager 1 và Voyager 2 của NASA.

Khúc đoạn “Lưu Thủy (Flowing Streams)” diễn tấu bởi Quản Bình Hồ (1897―1967):

2 .Quảng Lăng Tán

“Quảng Lăng Tán” là một nhạc khúc Cổ Cầm, là một trong thập đại danh khúc của Trung Quốc. Nhạc khúc này được lưu hành ở vùng Quảng Lăng (hiện nay là thành phố Dương Châu, tỉnh Giang Tô) vào thời Hậu Hán (25 – 220). 

“Quảng Lăng Tán” nguyên là dựa trên câu chuyện Nhiếp Chính sống vào thời Chiến Quốc (thế kỉ thứ 5 – 221 TCN) vì báo đáp ân nghĩa của Nghiêm  Trọng Tử mà giết hại tể tướng Hiệp Lụy, rồi chính mình cũng tự vẫn. 

Vào thời Tam Quốc, Kê Khang (224 – 262) là một trong Trúc Lâm Thất Hiền, ôm mối hận với võ tướng Chung Hội của nước Ngụy (225 – 264) và đã bị xử tử hình. Kê Khang đã diễn tấu “Quảng Lăng Tán” trước khi bị hành hình. Sau khi diễn tấu xong, ông ta nói: “Từ đây về sau người có thể diễn tấu nhạc khúc này sẽ không còn một ai nữa.” 

“Quảng Lăng Tán” hiện giờ là phiên bản mà nhà diễn tấu Cổ Cầm trứ danh Quản Bình Hồ đã chỉnh lí từ cuốn sách “Thần Kì Mật Phổ” được xuất bản vào thời Minh. Không ai biết rõ là nhạc khúc Quản Bình Hồ đã chỉnh lí có giống với nhạc khúc Kê Khang diễn tấu năm xưa hay không.

“Quảng Lăng Tán” diễn tấu bởi Quản Bình Hồ (1897―1967):

3 .Bình Sa Lạc Nhạn

“Bình Sa Lạc Nhạn” là một trong thập đại danh khúc của Trung Quốc. Thời kì mà nó lưu hành trong thế gian là trễ nhất, là một khúc Cổ Cầm được nhiều người biết đến trong khoảng gần 300 năm trở lại đây.

Nhịp điệu của “Bình Sa Lạc Nhạn” chậm rãi, nhu hòa. Nhạc khúc này miêu tả cảnh tượng chim nhạn bay về phương xa trên bầu trời thu trong xanh và gió nhè nhẹ thổi, thắm đẫm tâm tình của kẻ sĩ ôm chí lớn như chim nhạn hướng về nơi thật xa xôi.

“Bình Sa Lạc Nhạn” diễn tấu bởi Trương Tử Khiêm (1899―1991):

 
 

4 .Mai Hoa Tam Lộng

“Mai Hoa Tam Lộng” là nhạc khúc Cổ Cầm mà Nhan Sư Cổ thời nhà Đường đã cải biên từ một nhạc khúc thổi sáo. Nhạc khúc này miêu tả hình ảnh hoa mai với muôn hình vạn trạng bằng cách kết hợp giữa động tĩnh, cương nhu. 

Nửa trước dùng giai điệu nhẹ nhàng để diễn tả bầu không khí thoát tục phiêu diêu về nơi xa xôi, nửa sau thì nhấp nhô lăn tăn gợn sóng.

Diễn giả Ngô Cảnh Lược ( 1907 – 1987) là một nhà diễn tấu Cổ Cầm nổi tiếng. Ông Ngô đã dùng phong cách diễn tấu tinh tế và thanh nhã để thể hiện tư thái của hoa mai ẩn mình trong bão tuyết và sự nhẫn nại của hoa mai khi đương đầu với gió lạnh.

5 .Thập Diện Mai Phục

“Thập Diện Mai Phục” là một nhạc khúc đàn tỳ bà, là một trong thập đại danh khúc Trung Hoa. Nhạc khúc này làm bối cảnh cho trận chiến “Hán Sở tranh hùng” giữa Lưu Bang và Hạng Vũ xảy ra vào năm 202 TCN. “Thập Diện Mai Phục” và “Xuân Giang Hoa Nguyệt Dạ” được gọi là nhạc khúc đại biểu “một văn một võ” trong số các nhạc khúc diễn tấu bằng đàn tỳ bà.

Nhạc khúc này được chia làm 13 phân đoạn. Đoạn 1 đến 5 là phần 1, đoạn 6 đến 8 là phần 2, đoạn 9 và 10 là phần 3. Nguyên khúc là có đến đoạn 13, nhưng hiện nay thường chỉ được diễn tấu đến đoạn thứ 10.

Bên dưới là nội dung của từng phân đoạn.

Liệt doanh: Như là khúc vào đề, tái hiện cảnh tượng binh sĩ nổi trống trận trước cuộc chiến.

Xúy tả: Các chủng loại nhạc cụ được diễn tấu để truyền cảm hứng cho binh sĩ.

Điểm tướng: Các tướng quân nhận mệnh lệnh từ đại tướng quân.

Bài trận: Binh sĩ bày binh bố trận.

Tẩu đội: Quân lính di chuyển.

Mai phục: Đêm trước trận chiến, quân Hán tiến nhập vào trận địa.

Trận nhỏ Kê Minh Sơn: Bắt đầu trận chiến giữa quân Sở và Hán.

Trận lớn Cửu Lý Sơn: Cục diện quyết liệt giữa quân Sở và Hán.

Hạng vương bại trận: Quân của Hạng Vũ (Sở) bại tẩu.

Ô giang tự vẫn: Hạng Vũ tháo chạy, quân Hán từ phía sau đuổi theo truy bắt. Cuối cùng, Hạng Vũ tự sát.

“Thập Diện Mai Phục” diễn tấu bởi Lã Bồi Nguyên (1933 – ):

 

6.Xuân Giang Hoa Nguyệt Dạ (hoặc gọi là: Tịch Dương Tiêu Cổ)

“Xuân Giang Hoa Nguyệt Dạ” (“Tịch Dương Tiêu Cổ”) là một nhạc khúc đàn tranh nổi tiếng. Nó miêu tả cảnh sắc ưu mỹ của sông Dương Tử. Giai điệu của nhạc khúc này vô cùng tinh tế, nhịp điệu mượt mà đầy biến hóa. Bắt đầu từ việc tả âm thanh của trống lớn và tiếng chuông reo vang ở bờ sông trong ánh hoàng hôn, rồi từ từ dịch chuyển sang cảnh sắc dòng sông được phản chiếu bởi ánh trăng sáng. Dòng nước của sông Dương Tử phản ánh sắc màu của bầu trời và chảy ra xa tận nơi chân trời. Suy tư lắng nghe giọng ca của người câu cá từ nơi xa vọng về, hoàng hôn buông xuống, sự yên tĩnh bao bọc lấy mọi thứ. 

7 .Ngư Tiều Vấn Đáp

“Ngư Tiều Vấn Đáp” là một nhạc khúc Cổ Cầm trong thập đại danh khúc. Nhạc khúc này tái hiện cuộc hội thoại giữa người đánh cá và người lấy củi trong bối cảnh tự nhiên non nước rộng lớn bằng cách sử dụng nhịp điệu hỏi và đáp. Tinh hoa của cuộc hội thoại này được cho là có thể tương thông với bài thơ sau xuất hiện trong “Tam Quốc Diễn Nghĩa”:

“Bạch phát ngư tiêu giang chử thượng, quán khán thu nguyệt xuân phong.

Nhất hủ trạc tửu hỉ tương phùng.

Cổ kim đa thiếu sự, đô phó tiếu đàm trung.”

(Dịch nghĩa: 

Ông lão đánh cá đem nướng bên bờ sông, đã quen ngắm nhìn trăng thu và gió xuân.

Một nồi rượu ấm mừng ngày tương phùng.

Có bao nhiêu chuyện xưa nay đều đưa vào câu chuyện tiếng cười.)

“Ngư Tiều Vấn Đáp” diễn tấu bởi Lã Bồi Nguyên (1933 – ):

8 .Hồ Gia Thập Bát Phách

“Hồ Gia Thập Bát Phách” là một nhạc khúc trong thập đại danh khúc. Từ cuối thời Hậu Hán, thi nhân Thái Diễm (177 – 249) của nước Ngụy thời đại Tam Quốc đã từ giai điệu nhạc cụ người du mục phương Bắc ở vùng Hồ Gia, sáng tác đưa vào nhạc khúc Cổ Cầm.

Những năm Hưng Bình (194 – 195), khi xảy ra loạn lạc do băng đảng của Đổng Trác, Thái Diễm bị binh sĩ hung nô bắt cóc và bị bắt làm vợ bé cho Tả Hiền vương. Trong thời gian 12 năm sống ở hung nô, nàng hạ sinh hai người con. Năm Kiến An thứ 12 (207), Thái Diễm quay trở về nước nhưng hai người con thì bị hung nô giữ lại. “Hồ Gia Thập Bát Phách” chính là miêu tả phân nửa cuộc đời bất hạnh của Thái Diễm.

“Hồ Gia Thập Bát Phách” diễn tấu bởi Ngô Cảnh Lược (1907 – 1987):

9 .Hán Cung Thu Nguyệt

“Hán Cung Thu Nguyệt” là một trong thập đại danh khúc Trung Quốc. Ban đầu nó là nhạc khúc được sáng tác cho đàn tỳ bà, nhưng hiện nay nó cũng thường được diễn tấu bằng những nhạc cụ khác như đàn tranh, đàn nhị … Nhạc khúc này diễn tả nỗi buồn của người cung nữ trong cung đình thời cổ với âm luật tinh tế. 

“Hán Cung Thu Nguyệt” diễn tấu bằng đàn tranh:

10. Dương Xuân Bạch Tuyết

“Dương Xuân Bạch Tuyết” là một trong thập đại danh khúc Trung Hoa. Truyền thuyết kể rằng người sáng tác ra bài này là nhạc nhân Sư Khoáng nhà Tấn thời đại Xuân Thu.

Nhạc khúc này miêu tả phong cảnh cây cối đâm chồi nẩy lộc vào chớm xuân khi tuyết còn chưa tan hết. Giai điệu khúc nhạc để lại ấn tượng mượt mà, sáng sủa. 

“Dương Xuân Bạch Tuyết” diễn tấu đàn tỳ bà bởi Lã Bồi Nguyên (1933 – ):

(Nguồn: Vision Times Japan – Biên tập: Lê Nghi Minh)

Dịch: Tuyết Liên

Bản tiếng Nhật: https://www.visiontimesjp.com/?p=2102