Chuyện kể về tranh vẽ quạt, làn gió nhẹ chớm vào hạ (phần 1)

Quạt đã tồn tại từ thời xa xưa ở Trung Quốc. Khởi nguồn của nó vào khoảng trên 3.000 năm trước. Vào thời đầu quạt được dùng như vật dụng để che mặt trong cung đình, dần dần về sau tùy theo sự phát triển mà thay đổi hình dạng, kết hợp với nghệ thuật thư pháp và hội họa cùng việc đề thơ, vẽ tranh lên quạt vô cùng tinh xảo. Từ đó, “tranh vẽ quạt” dung nhập vào trào lưu phát triển hội họa của Trung Quốc.

“Tranh vẽ quạt” chủ yếu được vẽ trên quạt tròn và quạt gấp. “Tranh vẽ quạt” bắt đầu thịnh hành vào thời nhà Đường và được phổ biến rộng rãi vào thời nhà Tống và nhà Nguyên. Về sau, không ai trong giới văn nhân thời nhà Minh và nhà Thanh không biết đến “tranh vẽ quạt”. Vào khoảng cuối thời nhà Thanh và thuở đầu thời Dân Quốc, “tranh vẽ quạt” đã trở thành một hình thái nghệ thuật vô cùng độc đáo.

Các tác phẩm thư họa trước đó cho dù là ở dạng nào thì toàn bộ đều vẽ theo hình chữ nhật. Riêng “tranh vẽ quạt” vào thời đó chủ yếu có cấu trúc đặc trưng theo dạng hình tròn, hình ellipse, hình cánh cung. Vì vậy, cho dù có kích thước nhỏ gọn nhưng không gian vẽ thì vô hạn, tạo nên một tác phẩm mang vẻ đẹp đặc biệt sống động, tinh tế và thanh lịch.

Nói về chức năng của quạt cũng rất đa dạng. Không chỉ đơn giản là có hiệu quả xua tan cái nóng, mà còn mang cả hàm ý về văn hóa. Trong ca kịch, quạt cũng được sử dụng như một vật trang sức hay đạo cụ quan trọng, như là một dạng thức biểu đạt thân phận, địa vị và tính cách của nhân vật. Chiếc quạt lông vũ mà Gia Cát Lượng thường mang theo cũng trở thành biểu tượng đặc biệt cho trí huệ và tính cách. Ngoài ra, Nho sinh phong lưu thì cầm quạt gấp, tiểu thư đài cát thì cầm quạt tròn, còn các bà mai mối thì cầm quạt tròn lớn làm bằng cỏ đuôi mèo.

Tập tục đề thơ hay vẽ tranh lên quạt làm quà tặng cho người thân và bạn bè cũng bắt đầu vào thời Ngụy và Tấn ở thời đại Tam Quốc. Ghi chép sớm nhất về vẽ tranh trên quạt làm bằng lụa có thể tìm thấy ở tác phẩm “Lịch Đại Minh Họa Kí” của Trương Ngạn Viễn.

Nhà thư pháp Vương Hy Chi thời Đông Tấn là người đầu tiên trong giới văn học viết đề ngôn lên quạt. Con trai của ông Vương Hiến Chi là một họa sĩ và là người đầu tiên vẽ tranh trên quạt. Trong “Thái Bình Quảng Kí” có ghi chép Vương Hiến Chi rất giỏi về vẽ tranh. Lúc ông vẽ tranh lên quạt cho tướng quân đã thay đổi chữ viết nhầm thành một con bò nhỏ màu đen. Thế nhưng nhìn về tổng thể bức họa thì lại trở thành một tác phẩm vô cùng tuyệt diệu và được đặt tên là “Bác Ngưu Phú”.

(Còn tiếp)

Nguồn: Vision Times tiếng Nhật