Nguồn gốc và sức mạnh của âm nhạc

Trong “Nhạc ký” có viết: “Xem xét âm nhạc một quốc gia, có thể biết trạng thái chính trị của quốc gia đó, cũng có thể từ đó biết được nên trị sửa thế nào”.

1. Nguồn gốc của âm nhạc

* Phương Đông : Âm nhạc có từ thời Thượng cổ, vào thời đại Tam Hoàng, do 3 vị Thần kiến tạo và đặt định ra văn hóa cho con người, là : Phục Hy, Nữ Oa và Thần Nông.

Thần Phục Hy đã phát minh ra loại nhạc cụ Đàn sắt, đồng thời sáng tác các nhạc vũ “Lập cơ”, “Giá biện” v.v.. Thần Nữ Oa lấy đất để tạo ra con người, bà phỏng theo vũ trụ mà sáng tác ra “Sung nhạc”. Bà phát minh ra khèn, đồng thời thống nhất thanh luật thiên hạ, đã sáng tác bài nhạc vũ “Phù lê”. Sau thời đại Tam Hoàng là đến thời đại Ngũ Đế để lại 6 bài nhạc vũ nổi tiếng thời thượng cổ gọi là “Lục đại nhạc vũ”.

* Phương Tây : Trong Thần thoại cổ Hy Lạp, văn minh nhân loại đều do Thần sáng tạo và cai quản. Ví dụ: Văn nghệ do Thần Apollo cai quản, dưới thần Apollo là 9 vị nữ thần Muse cai quản âm nhạc, lịch sử, thơ ca, kịch, vũ đạo v.v.. Do đó, âm nhạc trong tiếng Anh (Music) có nguồn gốc từ từ âm nhạc trong tiếng Hy Lạp cổ (Mousike), ý nghĩa là “Nghệ thuật của nữ thần Muse”.

Bởi vậy, thời cổ, “Nhạc” không phải là âm nhạc ý nghĩa hẹp mà chúng ta hiểu ngày hôm nay, mà nó bao gồm nội dung của 3 phương diện thơ từ, âm nhạc, vũ đạo với nội hàm rất to lớn tinh tế và sâu sắc. Âm nhạc gồm ngũ âm Cung, Thương, Giốc, Chuỷ, và Vũ.

Nhạc ban đầu không phải dùng để nhân loại giải trí. Nó được dùng để điều tiết tự nhiên, quy chính trật tự vạn vật trong trời đất. Âm nhạc phỏng theo trí huệ siêu nhiên của Thần, lấy phép tắc thiên đạo hoàn mỹ làm tiêu chuẩn, có thể vỗ yên vạn vật, khiến tất cả trở về với đại đạo, hài hòa và trật tự. Do đó, nhạc thời kỳ đầu là công cụ giáo hóa nhân tâm quan trọng nhất của xã hội đương thời.

Những người sáng tác âm nhạc phải là người biết tiết chế dục vọng của mình để có thể tạo ra những tác phẩm âm nhạc thuần chính. Về phương pháp sáng tác cũng phải có những yêu cầu nhất định. Trong đó, nhất định phải là từ trong tâm thái bình hòa, thanh thản mới có thể tạo những bản nhạc hay và ý nghĩa.

Người cổ xưa cho rằng, âm nhạc chân chính là ca ngợi Thần, Trời Đất và vạn vật. Nội hàm của âm nhạc là phải phản ánh được việc con người vì thuận theo tự nhiên, kính sợ Trời đất Thần linh mà được bình an. Qua đó âm nhạc cũng thể hiện được lòng biết ơn, hân hoan, vui sướng được sống tường hòa trong trời đất.

2. Âm nhạc ảnh hưởng như thế nào đến con người?

Âm nhạc không chỉ dùng để thưởng thức cho vui, bản thân âm nhạc có tác dụng rất lớn đến con người. Đây là các phương diện chủ yếu.

* Âm nhạc có thể dưỡng thân và chữa bệnh

Ngũ âm của âm nhạc có ảnh hưởng rất lớn đến con người. Khi ngũ âm được sắp xếp một cách êm ái cân bằng, chúng sẽ có tác dụng tốt lên ngũ tạng. Kết quả là, tổ hợp âm thanh cân bằng và êm ái sẽ giúp cân bằng năng lượng của cơ thể và tinh thần. Sau đây là bảng xếp hạng ngũ âm tương ứng với ngũ hành, phương hướng, tình cảm, các mùa, và các vì tinh tú:

Ngũ hành Kim Mộc Thuỷ Hỏa Thổ

Ngũ Âm Thương Giốc Vũ Chủy Cung

Phương hướng Tây Đông Bắc Nam Trung tâm

Các mùa Thu Xuân Đông Hạ Lúc giao tiếp các mùa

Tinh Tú Venus Jupiter Mercury Mars Saturn

Tình cảm U buồn Giận dữ Sợ hãi Vui mừng Lo lắng

Theo 5 âm giai căn bản, người ta có thể tìm ra những ảnh hưởng khác nhau trong thân thể người. Lấy ví dụ, âm giai của dây Cung được xếp hạng thuộc loại cao thượng, có liên hệ với Thổ, và ảnh hưởng đến bộ phận tỳ. Những người thường xuyên nghe loại nhạc như vậy thì sẽ trở nên tốt bụng và khoan dung. Người xưa thường dùng cách này để dưỡng thân và nâng cao đạo đức.

Trong sách “Hoàng Đế Nội Kinh” – một trong tứ đại kinh điển Trung y Trung Quốc đã luận thuật cơ sở lý luận của âm nhạc trị bệnh, có chép: “Ngũ tạng của con người đối ứng với ngũ âm, lục phủ đối ứng với lục luật”.

Như vậy, có thể căn cứ vào ngũ âm của âm nhạc để chẩn đoán bệnh tình. Đồng thời cũng có thể lấy ngũ âm điều phối thành âm nhạc hài hòa, để điều chỉnh cân bằng lục phủ ngũ tạng của cơ thể con người, còn để lưu thông tuần hoàn kinh lạc cơ thể người, từ đó giúp cho thân thể con người trở về với trạng thái hài hòa tự nhiên, đạt được mục đích trị bệnh và dưỡng thân.

Năm 1944 và 1946, trường đại học bang Michigan và đại học Kansas lần lượt xây dựng giáo trình trị liệu âm nhạc chuyên ngành để đào tạo bác sĩ trị liệu âm nhạc chuyên nghiệp. Năm 1950, nước Mỹ đi đầu thành lập Hiệp hội Liệu pháp Âm nhạc (NAMT), đánh dấu âm nhạc trị liệu học trở thành môn khoa học mới đã ra đời. Cho đến hôm nay, liệu pháp âm nhạc đã lan truyền khắp thế giới, rất nhiều bệnh viện, trung tâm phục hồi sức khỏe đều áp dụng liệu pháp này và thu được hiệu quả rõ rệt.

* Âm nhạc có ảnh hưởng đến sự suy vong của một quốc gia

Sách “Đường Ngữ lâm” có chép: Năm Khai Nguyên cuối triều Đường, đô đốc phủ Tây Lương dâng lên khúc nhạc mới. Đường Huyền Tông bèn dùng nó chiêu đãi các vương thưởng thức. Sau khi khúc nhạc kết thúc, mọi người đều chúc mừng, duy có anh trai Đường Huyền Tông là Ninh Vương lặng câm không nói. Huyền Tông hỏi duyên cớ, Ninh Vương trả lời rằng: “Khúc nhạc này tuy hay, nhưng hạ thần nghe nói, một khúc nhạc bắt đầu bằng âm cung, kết thúc bằng âm thương, ở giữa là các âm giốc, chủy, vũ tổ hợp thành, đầu, đuôi đều phải đối ứng cung, thương. Khúc nhạc này, bắt đầu đã rời khỏi điệu cung, ở giữa cũng rất ít dùng âm chủy, mà điệu thương dùng rất tạp loạn, hơn nữa lại có thế tăng cường. Hạ thần lại nghe nói, trong ngũ âm, cung đại diện cho vua, thương đại diện cho bề tôi, điệu cung không cường thịnh thì thế lực của vua nhỏ yếu, điệu thương quá mạnh thì bề tôi có dấu hiệu làm loạn phạm thượng. Sự tình hiện hình ở trong âm luật, gieo rắc trong lời ca, mà thấy ở việc con người. Hạ thần sợ rằng có một ngày sẽ có cái họa loạn thần làm loạn ép vua, e rằng bệ hạ có cái nạn lưu lạc, đều được dự báo ở trong khúc nhạc này rồi”.

Hoàng đế Huyền Tông tinh thông âm luật nghe xong trầm ngâm không nói. Sau này, khi loạn An Sử xảy ra, Huyền Tông cuống quýt chạy trốn khỏi Trường An, toàn quốc hỗn loạn, lúc đó mới chứng thực khả năng dự đoán qua âm nhạc của Ninh Vương.

Trong “Nhạc ký” ghi chép: “Xem xét âm nhạc một quốc gia, có thể biết trạng thái chính trị của quốc gia đó, cũng có thể từ đó biết được nên trị sửa thế nào….

Nhạc thái bình thịnh thế, an tường lại vui vẻ, quốc gia đó nhất định chính trị thông đạt, con người hài hòa. Nhạc loạn thế, chứa đầy ai oán và phẫn nộ, quốc gia đó nhất định thực hiện các chính sách ngược lòng người trái đạo Trời; Nhạc vong quốc, chứa đầy bi ai và ưu tư, bách tính sẽ rơi vào khốn cảnh tuyệt vọng. Đạo âm thanh, là tương thông với chính trị…”

Thời nhà Chu con cái tầng lớp vương giả đến tuổi nhất định đều phải học Lục Đại nhạc vũ này. Đây là môn học bắt buộc, nếu không, họ sẽ không thể bước vào xã hội được. Lục đại nhạc vũ dùng để thờ tế, “Vân môn đại quyển” tế trời, “Đại hàm” tế đất, “Đại thiều” tế tứ vọng, “Đại hạ” tế núi sông, “Đại hoạch” cúng bà tổ tiên, “Đại vũ” cúng ông tổ tiên.

* Âm nhạc tạo ảnh hưởng đến tính cách con người

Khổng Tử nói: “Không có gì có thể mạnh hơn âm nhạc để nâng cao truyền thống xưa, không có gì thích đáng hơn âm thanh để hạn chế những nhà lãnh đạo trong việc cai trị”.

Người xưa đặc biệt chú ý về ảnh hưởng của âm nhạc với tính nết con người. Họ ca tụng quan niệm sự lợi ích lớn lao của âm nhạc chính là giáo dục. Âm nhạc có nhiều cấp bậc khác nhau. Âm nhạc thấp kém xâm phạm nguyên tắc của sự điều độ, nó không giới hạn việc biểu lộ cảm xúc của con người, sẽ đưa tới suy thoái và bạo lực, cuối cùng nhân loại không còn đạo đức. Âm nhạc ở cấp cao biểu lộ nguyên lý của vũ trụ. Thưởng thức âm nhạc ảnh hưởng đến đức, và người ta có thể thăng tiến đạo đức.

Trong “Nhạc ký” cũng viết về ảnh hưởng của âm nhạc đến tính cách con người: “Tác dụng của nhạc là dùng để quy chính nhân tâm. Bất kể là nhạc long trọng như thế nào, đều không phải là để con người thỏa thích hưởng thụ âm thanh, tình cảm,… không phải là để con người thỏa thích ham dục vị giác…. Nghe âm thanh gian tà, khí tà loạn trên thân người sẽ bị đánh thức, tà khí thành khí hậu, nhạc dâm dật sẽ trở thành thời thượng. Nghe âm thanh thuần chính, chính khí trên thân người sẽ hưởng ứng với nhạc, chính khí thành khí hậu, hòa nhạc sẽ thịnh hành…”

Nghiên cứu khoa học cũng cho thấy âm nhạc cũng có ảnh hưởng đến tinh thể nước. Khi cho nước nghe nhạc của Beethoven, Mozart tinh thể nước có cấu trúc rất đẹp. Ngược lại khi cho nước nghe những bản nhạc có lời ca tục tĩu và âm điệu không phù hợp thì có thể không hình thành cấu trúc tinh thể nước hoặc cấu trúc tinh thể nước bị biến dạng. Điều này đã được Tiến sĩ Masaru Emoto, giám đốc Viện Hado (tổ chức IHM) ở Tokyo, Nhật Bản chứng minh rất rõ ràng.

Có thể thấy, âm nhạc là do Thần ban cho con người và có mối liên thông với con người và vạn vật. Tuy nhiên, với sự xuống cấp đạo đức con người, âm nhạc ngày nay đa phần là không còn thuần chính, âm nhạc đã không còn mang lại tác dụng tốt đẹp cho con người.

Ngày nay, để tìm được loại âm nhạc truyền thống thuần khiết là điều không dễ. Lý do đầu tiên là vì các thư tịch cổ về âm nhạc còn lưu lại thật sự không nhiều, phần lớn đều đã bị tiêu hủy và thất lạc. Hơn nữa, âm nhạc truyền thống đã dần bị pha tạp với các thể loại nhạc đương đại vốn tập trung vào mục đích giải trí, khiến cho nó mất dần khả năng nguyên thủy nhất của mình. Có thể nói rằng, “đức âm nhã nhạc” chính thống đã trở thành một thứ văn hóa bị quên lãng và thất truyền.

Tổng Hợp

Kim Loan

 

Xem thêm:     Âm nhạc cổ điển Trung Quốc – Thập Đại Danh Khúc

                    Lợi ích đáng kinh ngạc của âm nhạc cổ điển