Sơn Hải Kinh – Dị Thú Phần 1

Cửu Dư

Tựa như con thỏ mà mỏ chim, mắt cú mèo mà đuôi rắn, thấy người thì giả chết. Các nhà khí tượng cổ đại cho rằng, Cửu Dư xuất hiện là dấu hiệu nông trại có châu chấu hại mùa. Cửu Dư còn được gọi là “Khải thử”, bởi vì cơ thể và hình dạng của nó giống như là một con chuột lớn khoác áo giáp. Cái vỏ trên người Cửu Dư được tạo thành bởi rất nhiều mảnh xương nhỏ, trên mỗi mảnh xương mọc ra một lớp chất sừng, vô cùng cứng rắn. Cho nên, bộ vỏ này đã trở thành vũ khí phòng thân tốt nhất của nó. 

Theo《Sơn Hải Kinh · Đông Sơn Kinh · Núi Dư Nga》ghi chép: “Có loài thú, dạng nó như con thỏ mà mỏ chim, mắt cú mèo mà đuôi rắn, thấy người thì ngủ, tên là Cửu Dư 犰狳, tiếng nó kêu giống như tên gọi, nó xuất hiện thì châu chấu hại mùa”.

Thiên Cẩu

Người Trung Quốc gọi hiện tượng nguyệt thực là “Thiên Cẩu ăn mặt trăng”, khi nguyệt thực xảy ra, mọi người hoang mang lo sợ khua chiêng gõ trống, bắn pháo để xua đuổi Thiên Cẩu. Loài động vật giống con cáo mà đầu trắng này rất có thể là một loài động vật có vú cổ đại nào đó, đã từng thật sự tồn tại qua.

Thiên Cẩu của Trung Quốc xuất hiện sớm nhất từ trong《Sơn Hải Kinh · Tây Sơn Kinh》, được ghi chép rằng: “Lại hướng tây 300 dặm là Âm Sơn 陰山. Dòng sông Trọc Dục 濁浴 đi ra, rồi chảy về hướng nam trút vào đầm Phiền 蕃, trong nước nhiều sò vằn. Có loài thú, dạng nó như con cáo mà đầu trắng, tên là Thiên Cẩu, tiếng nó như tiếng “ríu ríu”, có thể ngăn điềm dữ”.

Nhân Mã

“Nhân Mã” thật ra là một loài cá rất thần kỳ. “Nhân Mã” cũng được gọi là “Mã Nhân 马人”, toàn thân được bao phủ bởi mảng lớn vảy, trông rất giống cá chép thế nhưng thân hình lớn hơn. Tuy rằng cơ thể là cá, nhưng khuôn mặt lại rất giống ngũ quan của con người.

Bản ghi chép sớm nhất của Nhân Mã được trích từ 《Cổ Kim Chú · Ngư Trùng》 của Thôi Báo triều đại nhà Tấn: “Nhân Mã, có vảy giáp, như cá chép lớn, nhưng tay chân tai mắt mũi không khác gì con người. Nhìn thấy người một lúc lâu nó mới trốn vào trong nước”.

Nhân Xà

Nhân Xà là một loài dị thú có tay người, chân người, nhưng lại là thân rắn, đầu rắn. Nhân Xà có chiều cao bảy thước, toàn thân màu xanh sẫm, bởi vì có chân tay, có thể đi, đứng thẳng. Nhân xà ưa thích nơi thôn xóm, cũng ưa thích lập bầy đàn đi kiếm ăn.

Nhân Xà ăn thịt người, bình thường Nhân Xà gặp phải con người sẽ cười to trước, sau đó mới nhanh chóng ăn tươi nuốt sống sạch sẽ. Thế nhưng, tốc độ đi của Nhân Xà vô cùng chậm chạp, nếu như con người gặp phải Nhân Xà cười với mình, lập tức quay đầu chạy, Nhân Xà cũng không đuổi kịp con người.

Bản ghi chép về Nhân Xà có trong 《Xà Phổ》 do Trần Nguyên Long triều Thanh viết: “Nhân Xà 人蛇, dài bảy thước, màu sắc như mực. Đầu rắn, đuôi rắn, thân rắn, đuôi dài khoảng một thước, mà tay người chân người, dài ba thước. Đi đứng như người, ra ngoài thì tập hợp theo bầy, thấy người thì cười cợt, cười chút thôi liền cắn. Nhưng đi rất chậm, nghe nó cười thì chạy ngay thì có thể thoát”.

Cửu Nhĩ Khuyển

Chó săn trong truyền thuyết, có chín lỗ tai. Có thể đoán trước được tình huống thu hoạch của thợ săn trong mỗi lần đi săn. Nếu như lỗ tai của Cửu Nhĩ Khuyển nhúc nhích, thì nói rõ lần này thợ săn ra ngoài sẽ có thu hoạch tốt.

Điển tích của Cửu Nhĩ Khuyển được trích từ 《Quảng Đông Tân Ngữ · Thần Ngữ · Lôi Thần》 của Khuất Đại Quân 屈大均 triều Thanh: “Thời Trần, có người tên Trần Hồng 陈鉷, là người Lôi Châu 雷州, không có con, làm nghề săn bắt, nhà nuôi Cửu Nhĩ Khuyển, rất linh. Hễ Trần Hồng sắp đi săn, nhìn Cửu Nhĩ Khuyển là có thể đoán, một tai nhúc nhích thì săn được một con, nhiều thì nhúc nhích ba bốn tai, ít thì một hai tai. Một lần đi săn, mà chín tai đều nhúc nhích, Hồng mừng lớn, cho rằng nhất định sẽ được nhiều thú, một khu có bụi gai, Cửu Nhĩ Khuyển quay chung quanh, không đi. Lạ thay, có một trứng lớn, đường kính một thước, mang trở về, giông tố mãnh liệt. Trứng nở, chính là một nam tử, tay có chữ, trái viết Lôi 雷, phải viết Châu 州”.

Cửu Vĩ Xà

Là dị xà trong truyền thuyết, hình thể to lớn, cơ thể có vảy giáp bao phủ, có chín cái đuôi, mỗi một đuôi đều có một cái lỗ nhỏ, có khả năng bắn ra vô số đạn không khí, nếu bị đạn bắn trúng không chết thì cũng tàn phế.

Truyền thuyết Cửu Vĩ Xà từng được ghi chép trong《Tục Tử Bất Ngữ · Cửu Vĩ Xà》do Viên Mai triều Thanh viết: “Có kẻ tên Mao Bát 茅八, thời trẻ từng buôn giấy vào Giang Tây 江西. Núi sâu nhiều xưởng giấy, người trong xưởng lưu lại liền chốt cửa, dè chừng không nên đi nơi khác, rằng trong núi nhiều dị vật, không chỉ có hổ, sói. Một tối trăng rất sáng, Mao không ngủ được, muốn mở cửa ra ngoài ngắm trăng, cọ rọ bốn lần, ỷ vào võ dũng vẫn còn có thể chịu đựng được, bèn mở cửa ra ngoài. Đi chưa được mấy chục bước, chợt thấy bầy khỉ mấy chục con, khóc lóc chạy đến, chọn một cây lớn leo lên, Mao cũng nhìn lén từ xa. Không bao lâu liền trông thấy một con rắn, từ trong rừng đi ra, cơ thể như cột vòm, hai mắt sáng quắc, bộ da đều như vẩy cá mà cứng, từ eo trở xuống có chín đuôi, kéo nhau mà đi, có tiếng như thiết giáp. Đến dưới cây, nó bèn dựng đuôi, xoay tròn thành điệu múa. Mỗi đuôi có một lỗ nhỏ, bên trong lỗ tiết ra nước dãi như đạn bắn lên cây. Trong bầy khỉ, có con kêu gào rơi xuống đất, bụng nứt ra mà chết. Cửu Vĩ Xà bèn từ từ ăn ba con khỉ, ăn xong rồi kéo đuôi mà đi. Mao sợ, quay về, sau tất nhiên là đêm tối không dám ra ngoài”.

Tam Giác Thú

Tam Giác Thú đại biểu cho sự may mắn, các đế vương gia thời cổ đại thường hay vẽ hình Tam Giác Thú lên cờ xí dùng cho hoạt động lễ nghi. Nếu như một người nào đó từ nhỏ đã có khí chất đế vương, cũng có khả năng sẽ hấp dẫn Tam Giác Thú. Trên đầu Tam Giác Thú mọc ba cái sừng, trên chân có ngọn lửa, bộ lông có màu xanh lục.

Theo truyền thuyết, Tam Giác Thú là dã thú đại biểu cho sự may mắn,《Nguyên Sử · Dư Phục Chí Nhị》 từng có ghi chép về bề ngoài của Tam Giác Thú: “Tam Giác Thú, nguyên màu đỏ, chân có ngọn lửa đỏ, vẽ thú, đầu giống như Bạch Trạch 白泽, lông xanh lục, ba sừng, màu xanh đen, bụng trắng, phần đuôi màu xanh lục”.

Đan Ngư

Là thần ngư trong truyền thuyết, khắp toàn thân từ trên xuống dưới được bao bọc bởi ánh hào quang, trông rất chói mắt, nghe nói bôi máu của Đan Ngư lên chân có thể đi đứng được ở trên mặt nước. Truyền thuyết Đan Ngư xuất hiện sớm nhất ở Bắc Nguỵ, là con vật mang điềm lành. Truyền thuyết kể rằng nhìn thấy Đan Ngư thì sẽ gặp chuyện tốt, thế nhưng xác suất nhìn thấy thần ngư là nhỏ lại càng thêm nhỏ.

Trong《Thủy kinh chú · Đan thủy》của Lệ Đạo Nguyên thời Bắc Ngụy có miêu tả Đan Ngư: “Sông Đan Thủy 丹水 sinh ra Đan Ngư 丹鱼. Trước Hạ Chí mười ngày, chờ đợi ở Sông Đan Thủy vào ban đêm, cá bơi lội bên hông, trên vầng sáng đỏ chiếu sáng như lửa. Lấy lưới đánh bắt, cắt máu nó để bôi chân, có thể đi bộ trên nước, có thể cư trú lâu dài ở vùng nước sâu”.

Bạch Viên

Bạch Viên là một loài dị thú có ngoại hình rất giống con khỉ, tay chân rất dài, giỏi leo trèo, tiếng kêu cực kỳ thê thảm.

Bạch Viên ở cổ đại được cho là hầu đã trải qua nhiều năm phát triển biến hoá mà thành, tượng trưng cho sự trường thọ nhiều phúc. Trong《 Bão Phác Tử · Đối tục thiên》từng ghi chép: “Hầu 猴 thọ tám trăm bách biến thành Viên 猿, thọ năm trăm biến thành Quặc 玃”. Trong《Bản thảo cương mục》của Lý Thời Trân cũng có nói: “Viên sinh ở núi sâu Xuyên Quảng, cánh tay rất dài, có thể dẫn khí, do đó thọ lâu”.

Còn《Sơn Hải Kinh · Nam Sơn Kinh》thì ghi chép: “Núi Đường Đình 堂庭, có nhiều Bạch Viên 白猿”.

Bạch Viên có thần lực và tiếng gào thét không gì sánh bằng.

Lộc Thục

Lộc Thục là một loài thần thú cổ đại, dáng vẻ giống như ngựa, đầu màu trắng, đuôi màu đỏ, thân mình đầy vằn hổ, tiếng kêu giống như con người đang hát. Truyền thuyết kể rằng mặc da lông của Lộc Thục ở trên người mình thì có thể khiến cho con cháu gia tộc hưng thịnh. Thời Sùng Trinh nhà Minh, trên phố loan truyền rằng có người từng nhìn thấy Lộc Thục.

Ở trong《Đồ tán》của Quách Phác, có nói: “Thú Lộc Thục, bản chất ngựa vằn hổ. Ngẩng đầu kêu dài, duỗi chân nhảy chồm. Mặc da lông của nó, con cháu như mây”.

《Sơn Hải Kinh · Nam Sơn Kinh》có ghi chép: “Núi Nữu Dương 杻陽, có loài thú, dạng nó như con ngựa mà đầu trắng, vằn nó như con hổ mà đuôi màu đỏ, tiếng kêu như tiếng hát, tên nó là Lộc Thục 鹿蜀, mang vào thì hòa hợp con cháu”.

Toàn Quy

Toàn Quy là một loại dị thú đầu chim, cơ thể giống rùa đen, đuôi giống rắn độc. Âm thanh khi Toàn Quy kêu lên rất giống tiếng gõ vào gỗ, người ta mang theo Toàn Quy ở trên người, có thể ngăn cản ù tai, tăng cường thính lực, còn có thể trị vết chai chân.

Trong 《Thập Di Ký》 có ghi chép khi Đại Vũ trị thủy “Hoàng Long kéo đuôi ở trước, Huyền Quy vác bùn đen ở sau”. “Huyền Quy” được nhắc tới trong《Thập Di Ký》chính là con Toàn Quy đầu chim thân rùa đuôi rắn này, kể rằng khi Toàn Quy ở triều nhà Hạ từng cùng Hoàng Long hiệp trợ Đại Vũ sửa trị lũ lụt.

Trong《Sơn Hải Kinh · Nam Sơn Kinh》có ghi chép rằng: “Núi Nữu Dương 杻陽, có dòng nước lạ chảy ra, mà chảy về đông trút vào nước sông Hiến Dực 憲翼, trong nước nhiều loài cá rùa đen tuyền, dạng nó như con rùa mà đầu chim đuôi rắn ‘Hủy’ 虺 (một loại rắn độc), tên nó là Toàn Quy 旋龟, tiếng của nó như gõ vào cây, mang vào thì không điếc, có thể dùng làm bệ nền”.

(Trích nguồn: https://niemlam.wordpress.com/)