Sơn Hải Kinh – Dị Thú phần 2

Lục

Lục, là một loài quái ngư ở giữa ranh giới sinh tử trong Sơn Hải Kinh. Trong truyền thuyết, Lục có bốn loại hình thái: đầu trâu, thân cá, đuôi rắn, có cánh; đầu thú, thân cá, móng trâu, đuôi rắn, có cánh; đầu thú, thân cá, đuôi rắn, không cánh; đầu thú, thân cá, đuôi rắn, có cánh.

Lục thường sinh sống ở nơi kề sông tựa núi, tiếng kêu của nó trầm thấp, rất giống tiếng trâu kêu. Lục thường ngủ đông vào mùa đông, chỉ ra ngoài hoạt động vào mùa hè, cho nên mọi người xem Lục như là biểu tượng cho sự khởi tử hoàn sinh, sau khi ăn nó có thể trị bệnh u bướu.

Ghi chép có liên quan về Lục trong《Sơn Hải Kinh · Nam Sơn Kinh》: “Để Sơn 柢山, nhiều nước, không cỏ cây. Có loài cá, dạng nó như con trâu, sống ở gò đất, đuôi rắn mà có cánh, đuôi nó ở tại dưới lườn, tiếng kêu như con trâu ‘lưu’ 留牛 (không biết loại trâu gì), tên nó là Lục 鯥, chết đi rồi sống lại, ăn vào thì không bị bệnh u bướu”.

Loại

Loại còn được gọi là Lệnh Hồ, dáng vẻ giống mèo rừng, đầu có lông dài, là một loài kỳ thú lưỡng tính. Trong《Bản Thảo Thập Di》có câu miêu tả Loại: “Linh miêu sống ở sơn cốc Nam Hải, hình dáng như con mèo rừng”, miêu tả trong 《Dị Vật Chí》 thì lại ngắn gọn hơn nhiều: “Linh miêu nhất thể, tự có âm dương”. Truyền thuyết Vân Nam có loài linh thú này, cổ nhân gọi là “Hương Mao”, người ăn thịt Loại sẽ không còn lòng ganh tỵ nữa.

Loại được ghi chép ở trong 《Sơn Hải Kinh · Nam Sơn Kinh》: “Núi Đản Viên 亶爰, có loài thú, dạng nó như con mèo rừng mà có lông mao, tên nó là Loại 类, tự làm con đực con cái, ăn vào thì không ganh ghét”.

Chuyên Dã

Chuyên Dã là một loài quái thú, dáng vẻ nó như một con sơn dương, thế nhưng có chín cái đuôi và bốn cái lỗ tai, con mắt của Chuyên Dã mọc ở trên lưng. Nghe nói con người lấy được da lông của nó khoác lên người, thì sẽ không còn lòng sợ hãi nữa.

Về Chuyên Dã, trong 《Đồ Tán》 của Quách Phác có viết: “Chuyên Dã như con dê, mắt mọc ngược sau lưng. Dáng vẻ nó rất kỳ quái. Nếu muốn không e sợ, đính da nó mà mặc”.

Trong 《Sơn Hải Kinh · Nam Sơn Kinh》 có ghi chép về Chuyên Dã: “Cơ Sơn 基山, có loài thú, dạng nó như con dê, chín đuôi, bốn tai, mắt nó ở lưng, tên nó là Chuyên Dã 猼訑, mang vào thì không sợ hãi”.

Cổ Điêu

Cổ Điêu còn được gọi là Soán Điêu, là một loài quái thú như chim mà không phải chim. Dáng vẻ của nó giống chim đại bàng, trên đầu có sừng. Kêu lên giống như trẻ sơ sinh đang khóc. Còn có lời kể khác rằng Cổ Điêu có cơ thể của con báo, trên đầu có một cái sừng. 《Đồ Tán》 của Quách Phác miêu tả Cổ Điêu là “Soán Điêu có sừng, tiếng như trẻ khóc”.

Trong 《Sơn Hải Kinh · Nam Kinh thứ hai》 có ghi chép về Cổ Điêu: “Núi Lộc Ngô 鹿吳, nước sông Trạch Canh 澤更 đi ra, rồi chảy về hướng nam trút vào Bàng Thủy. Có loài thú, tên là Cổ Điêu 蛊雕, dạng nó như chim đại bàng mà có sừng, tiếng nó như tiếng kêu của trẻ sơ sinh, ăn thịt người”.

Tê rất giống trâu nước, chân và bàn chân giống voi lớn, đầu giống con heo, trên đầu mọc ba cái sừng, lần lượt là ở trên đỉnh đầu, cái trán và cái mũi. Trong miệng thường xuyên khạc ra bọt máu. Sừng Tê có khả năng giải độc, Lý Thời Trân có nói sừng Tê là “Nơi tụ họp tinh linh của Tê, còn là thuốc giàu âm dương, có thể giải nhiều độc”. Trong 《Bản Thảo Cương Mục》 có ghi chép: “Tê xuất hiện ở nhiều nơi như Tây Phiên Nam Phiên Điền Nam Giao Châu, có ba loại Sơn Tê, Thủy Tê, Hủy Tê, lại có thêm Mao Tê, tựa như Sơn Tê, sống ở núi rừng, nhiều người thấy được. Thủy Tê ra vào trong nước, hiếm thấy nhất”.

Trong 《Sơn Hải Kinh · Nam Kinh thứ ba》 có ghi chép về Tê: “Hướng đông 500 dặm là hòn núi Đảo Quá 祷过, trên đó nhiều vàng ngọc, ở dưới nhiều loài tê hủy (tê giác) 犀兕, lắm voi”.

Li Lực

Li Lực là một loài kỳ thú, dáng vẻ của nó giống như con heo, chân gà, kêu lên giống như tiếng chó sủa. 《Đồ Tán》 của Quách Phác có viết: “Li Lực Li Hồ, hoặc bay hoặc nằm. Thấy nó là chỉ đất lành, có thể xây dựng kiến trúc. Lao dịch Trường Thành, cùng đậu đất Tần”. Li Lực tượng trưng cho công trình xây dựng phồn vinh, chỉ cần là nơi Li Lực xuất hiện, nhất định là đang xây dựng rầm rộ.

Li Lực trích từ 《Sơn Hải Kinh · Nam Kinh thứ hai》: “Cử Sơn 柜山, có loài thú, dạng như con heo sữa, có cựa, tiếng nó như chó sủa, tên nó là Li Lực 狸力, thấy được thì huyện đó nhiều công trình”.

Hủy

Tướng mạo của Hủy rất giống một con trâu, thân thể màu xám đen, trên đầu mọc một cái sừng. Hủy còn được gọi là Độc Giác Thú, tượng trưng cho văn đức, cổ nhân thường hay khắc hình ảnh của Hủy lên đồ đồng thau hoặc là vẽ thành chân dung để làm đồ trang trí. Quách Phác chú thích: “Tê như trâu nước, Hủy cũng như trâu nước, màu đen, một sừng, nặng ngàn cân”. Chuyện thú vị có liên quan đến Hủy được ghi chép trong 《Tam Tài Đồ Hội》: “Hủy như hổ mà nhỏ, không cắn người. Ban đêm đứng một mình ở đỉnh vách núi cao nhất, nghe tiếng suối, rất yên tĩnh, cho đến khi chim muông hót, trời gần sáng mới quay về tổ”.

Hổ Giao

Hổ Giao là quái giao không phải cá, không phải rắn, sống trong nước. Hổ Giao trong truyền thuyết có hai loại hình thái: một loại là mặt người, thân cá, đuôi rắn, bốn chân có vảy; một loại là mặt người, thân cá, đuôi thú. Tiếng kêu của Hổ Giao giống như chim uyên ương, ăn được thịt của Hổ Giao có thể phòng ngừa bệnh u bướu, mà còn thể trị các loại vết thương lở loét. Trong 《Đồ Tán》 của Quách Phác có viết: “Thân cá đuôi rắn, gọi là Hổ Giao”. 

Hổ Giao trích từ 《Sơn Hải Kinh · Nam Kinh thứ ba》: “Núi Đảo Quá 祷过, sông Ngân Thủy 泿水 đi ra, rồi chảy về hướng nam trút vào biển. Trong đó có con Hổ Giao 虎蛟, dạng nó thân cá mà đuôi rắn, tiếng nó như chim uyên ương, ăn vào thì không bị u bướu, có thể khỏi bệnh trĩ”.

(Trích nguồn: https://niemlam.wordpress.com/)