Tết Đông Chí ở Trung Quốc được tổ chức như thế nào?

Trong văn hóa truyền thống ở Trung Quốc về nông nghiệp, một năm được chia thành 24 tiết khí, mỗi tiết khí sẽ biểu trưng cho một giai đoạn đặc trưng trong nông nghiệp cũng như một giai đoạn đặc trưng trong cuộc sống. Điểm chí và điểm phân là cơ sở để phân chia các mùa trong năm.

Tiết Đông chí còn được gọi là Dongzhi (冬至) ở Trung Quốc. ‘ Đông’ có nghĩa là mùa đông. Chữ ‘chí’ trong từ ‘Đông chí’ có nghĩa là cực điểm, đỉnh điểm. Nhưng đỉnh điểm và cực điểm không phải chỉ ngày đông lạnh nhất mà là chỉ vị trí Trái đất xoay quanh Mặt trời. Tầm quan trọng của ngày lễ đã được cộng nhận từ nhiều thế hệ trước đó, cho đến 2000 năm trước đây, các tiết khí trong năm được kết nối với một số thực phẩm và phong tục cố định. Trước đây, ngày Đông chí cũng được coi là ngày bắt đầu năm mới.

Quay trở lại thời nhà Hán (206 TCN- 220 SCN), khi này hầu hết người Hoa sống ở phía Bắc của đất nước. Theo y học cổ truyền Trung Quốc, thịt cừu là một loại thịt có tính nóng ấm và có tác dụng làm ấm cơ thể trong thời tiết giá lạnh. Mọi người kể rằng, bác sĩ Trương Trọng Cảnh (một thầy thuốc cuối thời Đông Hán, ông đã có những đóng góp mang tính hệ thống về cả lý luận và thực nghiệm trong Đông y) thương hại những người nông dân nghèo trong mùa đông lạnh lẽo nên đã cho họ bánh bao nhân thịt cừu để ăn.

Câu chuyện này là khởi đầu của nét văn hóa truyền thống miền Bắc Trung Quốc về ăn bánh bao nhân thịt cừu trong ngày Đông Chí, đến mức mọi người nói rằng “hãy ăn bánh bao vào ngày đông chí nếu bạn không muốn chân mình bị đóng băng”.

Ở miền Nam Trung Quốc, nơi khí hậu ít khắc nghiệt hơn ở phía Bắc, mọi người thường ăn chè thang viên (một dạng của bánh trôi nước hay bánh trôi tàu). Giống như bánh bao, đây là một món ăn truyền thống của Trung Quốc.

Ngày Đông chí thường rơi vào khoảng ngày 21 tháng 12 đến 23 tháng 12 hàng năm. Trong thời nhà Hán, các quan lại và hoàng đế đánh dấu Lễ tiết khí bằng cách tổ chức các nghi lễ trong khi dân chúng lại có một ngày nghỉ ngơi hiếm hoi sau những ngày miệt mài làm việc.

“Đông Cửu Cửu ca”

Sau ngày Đông chí, các ngày càng ngày càng lạnh, độ dài của ban ngày tăng lên, mang lại cho mọi người hi vọng và động lực để vượt qua sự khắc nghiệt của mùa đông. Đối với người Trung Quốc, bóng tối của ngày Đông Chí tượng trưng cho tính Âm, còn ban ngày tượng trưng cho tính Dương. Khi bóng tối mang tính âm dần phải nhường chỗ cho ánh sáng đầy dương khí, tiết trời sẽ rạng rỡ hơn hơn bao giờ hết. Đây cũng là dấu hiệu rằng mùa xuân đang đến.

Khí hậu có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống hàng ngày cũng như thể trạng sức khỏe của mọi người. Vì vậy, người Trung Quốc thường rất chú ý vào các giai đoạn của mùa đông. Theo tiết khí của Trung Quốc, mùa đông sau ngày Đông chí kéo dài 81 ngày và được chia thành 9 chu kỳ. Mỗi chu kỳ được gọi là một cửu. Chu kỳ 81 ngày Đông chí được thể hiện trong bài đồng dao cổ “Đông Cửu Cửu ca”. Bài đồng dao này đã miêu tả một cách sinh động 9 cửu chu kỳ, mỗi một vùng miền có cách nói khác nhau, sau đây là bài đồng dao của vùng Hoa Bắc:

“Nhất cửu nhị cửu bất xuất thủ,

Tam cửu tứ cửu băng thượng tẩu,

Ngũ cửu lục cửu duyên hà vọng liễu,

Thất cửu hà khai, bát cửu nhạn lai,

Cửu cửu gia nhất cửu, canh ngưu biến địa tẩu”.

Tạm dịch:

“Cửu một, cửu hai, tay không động,

Cửu ba, cửu bốn, bước trên băng,

Cửu năm, cửu sáu, liễu rủ xanh bờ,

Cửu bảy băng tan, cửu tám nhạn về,

Cửu chín, hết mùa đông, trâu ta lại ra đồng”.

Để đánh dấu mỗi ngày đi qua, theo truyền thống, người Trung Quốc thường cho họa một bức tranh với 81 bông hoa đào để trắng. Mỗi một ngày một bông hoa sẽ được tô màu đỏ cho đến hết. Để khi mùa xuân đến, bức tranh sẽ rực rỡ sắc màu kịp đón xuân về, muôn hoa khoe sắc.

Dịch từ: http://www.visiontimes.com/2018/12/23/how-the-winter-solstice-is-celebrated-in-china.html