Câu chuyện đánh tráo đâu mâu móng rồng!
Phật Tử là em họ của Lý Bôn, khi Lý Bôn mất thì theo anh Lý Bôn là Thiên Bảo đem ba vạn quân chạy trốn vào mọi Lào, Bá Tiên tìm kiếm không được, Thiên Bảo đi đến đầu nguồn sông Đà Giang, động Dã Năng, thấy chỗ ấy danh thắng, thổ vật phì nhiêu, đất sản xuất nhiều lại rộng rãi, bèn đắp thành ở đó. Đời sống càng ngày càng phồn thịnh, trí thức càng ngày càng cao, lập thành nước Dã Năng; dân chúng suy tôn Thiên Bảo làm Đào Lang Vương. Chưa được bao lâu, Thiên Bảo hoăng, vô tư; dân chúng hội nghị suy tôn Phật Tử làm Vương. Gặp lúc Bá Tiên về Bắc, Phật Tử bèn dẫn binh xuống miền Đông; tả hữu khuyên Phật Tử xưng Đế; Phật Tử nghe theo rồi lấy hiệu là Nam Đế.
Nam Đế cùng Việt Vương giao chiến ở Thái Bình đã năm trận, gươm giáo qua lại, tên đạn như bay mà thắng phụ chưa quyết. Quân Nam Đế có hơi núng thế, cho là Việt Vương có dị thuật mới thỉnh hòa. Việt Vương cũng nghĩ Nam Đế là tộc thuộc của Lý Bôn bèn chia nước ra mà cùng trị, vạch bãi Quân Thần làm địa giới.
Nam Đế ở thành Ô Diên cho con tên là Nhã Lang đến Việt Vương cầu hôn; Việt Vương cho con gái là Cảo Nương về với Nhã Lang, thật là hảo tình mật thiết, cầm sắt giao hài. Một hôm, Nhã Lang hỏi nhỏ Cảo Nương rằng:
“Hai nước ngày xưa là cừu thù, ngày nay lại là thông hôn, thật là thiên duyên tác hợp, tao ngộ kỳ duyên. Trước kia hai nước giao tranh, binh cơ của phụ vương em thần diệu xuất sắc hơn phụ vương anh nhiều; không hiểu có cái diệu thuật gì mà nhiều kỳ mưu như vậy?”.
Cảo Nương là bậc nữ lưu trâm luyến, có biết đâu thế thái ba đào, mới mật lấy cái đâu mâu móng rồng đem cho xem, kể sự đầu đuôi, và nói:
“Xưa nay, phụ vương thiếp hơn giặc là nhờ cái này”.
Nhã Lang xem xong, thầm mưu đổi cái móng rồng đi, bèn nói với Cảo Nương rằng:
“Anh làm phò mã ở đây đã lâu, nay nhớ đến song thân, chẳng lẽ cứ lưu luyến tình chiếu chăn riêng tư mà bỏ khuyết việc thần hôn phụng dưỡng, ý anh muốn tạm về vấn an mới thỏa lòng.
Nhưng đường sá xa xôi, đi về cách trở, không dễ một hôm một mai mà trở lại được, sum họp ít mà chia phôi nhiều, anh thật ân hận quá. Sau khi anh về nước, nếu mà có biến cố bất ngờ xảy ra, chắc là em phải theo vương giá mà đi, đi về phương nào em nên trải lông ngỗng để cho anh tiện việc tìm kiếm”.
Nhã Lang về nước, đem việc kể lại cho phụ vương; Nam Đế cả mừng, lập tức dẫn binh trực nhập Việt cảnh như vào một chỗ không người, Việt Vương không hề hay biết. Đến khi Việt Vương được tin báo, vội vàng xách đâu mâu ra cự chiến để đợi Nam Đế nhưng thần cơ đã bị đoạt rồi, tinh thần binh sĩ không phấn chấn nữa. Việt Vương tự biết không thể địch nổi Nam Đế mới dắt con gái chạy về phương Nam để tìm chỗ yếu hiểm tránh thân. Binh giặc vẫn đuổi theo sau; đến châu phủ thì Vương tạm nghỉ ngơi, tả hữu báo binh Nam Đế đã đến Vương sợ hãi hô to lên rằng:
“Hoàng Long thần vương sao không giúp ta?”.
Thoắt cái thấy Hoàng Long chỉ tay cáo với Vương rằng:
“Không phải ai đâu, chính là Cảo Nương con gái Vương rải lông ngỗng dẫn đường cho giặc đó, giặc ở bên lưng không giết đi còn đợi gì nữa”.
Vương ngoảnh lại lấy gươm chém đầu Cảo Nương rơi xuống nước rồi bỏ đi. Vương giục ngựa chạy đến cửa biển Tiểu Nha, cùng đường, lại phải chạy lui về hướng Đông đến cửa biển Đại Nha, than rằng: “Ta cùng rồi!” Hốt nhiên, Hoàng Long rẽ nước thành đường dẫn Vương vào, nước lại trở về như cũ. Nam Đế tiến binh đến đó, vắng vẻ không biết đi về hướng nào bèn dẫn binh về. Việt Vương dựng nước được mười chín năm, dấy từ năm Tân Tỵ, niên hiệu Đại Bảo thứ hai nhà Lương, đến năm Ất Sửu, niên hiệu Đại Kiến, năm đầu nhà Trần thì mất nước. Người trong nước cho là linh dị, lập đền thờ ở cửa biển Đại Nha.
Câu chuyện được người xưa ghi chép lại trong cuốn “Việt Điện U Linh tập”. Trong lịch sử của dân tộc Việt Nam ta, không khó để tìm được các câu chuyện có sự xuất hiện của những vị Thần giúp bậc Đế vương dựng nước và giữ nước.
Móng rùa của nhà Thục bị đổi trong tay Trọng Thủy; móng rồng của nhà Triệu bị đổi trong tay Nhã Lang. Liệu rằng, qua hai câu chuyện với nhiều nét tương đồng này, có khiến mỗi người chúng ta phải suy ngẫm?