Văn hóa làng là cốt lõi của văn hóa Việt!

Sáng ngày mùng 4/1, tại làng Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội đã tổ chức Lễ khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo di tích Đình Làng.

Đối với mỗi người dân đất Việt, đình làng luôn có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong với đời sống văn hóa, tinh thần của con người. Từ xa xưa, đình làng là nơi thờ tự, tế lễ để thể hiện lòng biết ơn, kính ngưỡng đối với tổ tiên; cũng là nơi sinh hoạt văn hóa chung của cộng đồng, đây là nơi thường xuyên tổ chức các hoạt động sinh hoạt ca hát, vui chơi của dân chúng trong làng. Có thể nói, đình làng là nơi hội tụ, trình diễn nhiều nét văn hóa phi vật thể như lễ hội, nghi lễ, phong tục, tập quán, nghệ thuật dân gian kiến trúc, điêu khắc, âm nhạc, dân ca, dân vũ, và cả các trò chơi dân gian,…đây là nơi gắn kết của cộng đồng làng xã Việt Nam.

Cho đến ngày nay, mỗi người trong chúng ta vẫn luôn cố gắng bảo tồn và gìn giữ di sản văn hóa ấy. Bởi người Việt tin rằng, văn hóa làng là cốt lõi của văn hóa Việt Nam, và đình làng là nơi lưu giữ, hội tụ văn hóa làng. Chỉ khi giữ được văn hóa làng, ta mới có thể giữ gìn nền văn hóa của dân tộc ta; đình làng là sản phẩm của dân tộc Việt!

Trong buổi Lễ khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo di tích Đình Làng Hạ Lôi, có sự góp mặt đông đủ của những người dân trong làng – họ là những người đã góp công, góp sức để cùng chung tay tôn tạo lại di tích đình làng, góp phần gìn giữ văn hóa làng xã lâu đời của người Việt!

Đoàn Nghệ thuật Hồng Ân rất vinh dự khi được đồng hành cùng những người dân làng Hạ Lôi trong buổi lễ vô cùng đặc biệt và ý nghĩa này! Chúng tôi hy vọng, mỗi người chúng ta sẽ cùng nhau chung tay giữ gìn và bảo tồn văn hóa làng xã của người Việt!

Huệ Anh